Khởi nghiệp sáng tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ 03, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 23/05, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các đại biểu đồng thuận với nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ ưu tiên hơn với các doanh nghiệp do nữ làm chủ (có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên và đồng thời là người quản lý điều hành doanh nghiệp đó).

Cụ thể, tại Điều số 05, dự thảo Luật có nêu rõ những trường hợp doanh nghiệp cùng đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ thì “ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ hơn”.

Khởi nghiệp sáng tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đại biểu Võ Thị Như Hoa, đoàn ĐBQH Đà Nẵng, cho rằng dự thảo mới quy định những quy tắc chung, chưa quy định cụ thể các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ như thế nào mà chỉ quy định hỗ trợ tại các luật liên quan hoặc các văn bản hướng dẫn luật này. Đại biểu Hoa kiến nghị nên có quy định cụ thể mức hỗ trợ với những ưu đãi nào có thể quy định được, để khi thực hiện sẽ tạo ra những chính sách đầy đủ, cụ thể, đồng bộ và có thể áp dụng được ngay.

Giải trình trước Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quan điểm chung nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Xây dựng dự thảo luật này có 02 hướng tiếp cận: Quy định chi tiết mức hỗ trợ vào trong luật sẽ làm mất đi tính ổn định của luật trong lâu dài. Hướng thứ 02, nếu quy định khung hỗ trợ chung thì sẽ linh hoạt và phù hợp với từng thời kỳ.

Ông Dũng khẳng định: Nếu luật này được thông qua, thì Bộ cũng sẽ soạn thảo kèm theo 04 Nghị định hướng dẫn chi tiết, để luật nhanh chóng được áp dụng và đi vào cuộc sống.

Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trong dự thảo luật hiện chưa được làm rõ. Điều đó sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau và việc áp dụng các qui định về hỗ trợ cũng khác nhau.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho hay khái niệm về doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định trong tại Dự thảo luật còn khá chung chung, chưa rõ ràng cụ thể những doanh nghiệp nào thuộc mô hình này, mô hình kinh doanh mới là như thế nào, khả năng tăng trưởng nhanh được hiểu ra sao? Điều này dẫn đến đối tượng được xác định là doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo để được hưởng hỗ trợ không thống nhất giữa các cơ quan, giữa các doanh nghiệp và không mang tính minh bạch, khó khả thi trên thực tế, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng luật khác nhau. Do đó đề nghị làm rõ khái niệm và cách hiểu về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra những tiêu chí cụ thể mang tính định lượng, hoặc liệt kê để bảo đảm sự minh bạch trong quy định.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang), thực tế hiện nay khởi nghiệp sáng tạo vẫn là vấn đề còn nhiều mới mẻ, có nhiều cách hiểu khác nhau để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, do đó để phát huy hiệu quả hệ thống chính sách trong dự án luật, tránhtạo ra những  khe hở và nhầm lẫn giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp và doanh nghiệp lập nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp tư nhân thông thường. Do đó, Dự thảo Luật và các văn bản dưới luật cần làm rõ khái niệm, nội dung, tính chất, loại hình, quy mô v.v… của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng và không gây hiểu lầm, lãng phí.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận