Thực phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng vệ sinh ATTP trước khi tiêu thụ

“Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu” được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 23/2007/QĐ-BYT ngày 29.3.2007 đã chính thức có hiệu lực, bãi bỏ Quyết định số 1370/1997/QĐ-BYT ngày 17.7.1997 về việc ban hành “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với thực phẩm nhập khẩu”.

Theo đó, mọi tổ chức và cá nhân nhập khẩu thực phẩm phải đăng ký kiểm tra và chịu sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trước khi đưa hàng ra tiêu thụ trên thị trường.

Quy chế quy định 4 phương thức kiểm tra thực phẩm nhập khẩu (TPNK):

1/ Kiểm tra chặt: là việc lấy mẫu xác suất hoặc lấy tại các điểm nghi ngờ để kiểm nghiệm, đánh giá). Việc kiểm tra chặt được áp dụng cho 4 trường hợp quy định tại các điểm a), b), c) và d) khoản 1 Điều 4.

2/ Kiểm tra thông thường là việc lấy mẫu ngẫu nhiên đủ để kiểm tra cảm quan và kiểm nghiệm một vài chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với lô hàng nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản khác.

3/ Kiểm tra giảm nhẹ: chỉ lấy mẫu đại diện với những TPNK cùng loại, cùng xuất xứ có chất lượng ổn định qua ít nhất 2 lần kiểm tra liên tiếp hoặc được Bộ Y tế xác nhận bằng văn bản đủ điều kiện kiểm tra giảm nhẹ.

4/ Chỉ kiểm tra hồ sơ (miễn kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu) đối với TPNK đã được tổ chức có thẩm quyền của nước ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt động kiểm tra chất lượng, vệ sinh, ATTP xác nhận đạt yêu cầu về ATTP hay TPNK đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn được phép áp dụng tại Việt Nam. Các lô hàng cùng loại có cùng xuất xứ, đã kiểm tra 5 lần trước đó đạt yêu cầu nhập khẩu cũng thuộc loại chỉ kiểm tra hồ sơ.

Quy chế cũng quy định thời gian làm thủ tục: Các cơ quan kiểm tra có trách nhiệm xác nhận Giấy đăng ký kiểm tra trong vòng 1 ngày làm việc và theo dõi để thực hiện việc kiểm tra nhà nước trong phạm vi được chỉ định. Đối với phương thức kiểm tra chặt, không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày lấy được mẫu đăng ký kiểm tra và đối với các phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm nhẹ, chỉ kiểm tra hồ sơ thì không quá 2 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra phải có thông báo kết quả kiểm tra cho chủ hàng nhập khẩu, đồng thời báo cáo về cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo quy chế, định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất, Thanh tra Bộ Y tế tế có trách nhiệm phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này của các cơ quan kiểm tra và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận