Bảo hộ tên doanh nghiệp ảnh hưởng bảo hộ tên thương mại?

Từ lâu tình trạng doanh nghiệp trùng tên đã là vấn đề hóc búa cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, và cho cả các doanh nghiệp bị trùng tên. Nguyên nhân của việc trùng tên doanh nghiệp đáng tiếc lại có từ quy định của pháp luật doanh nghiệp. Việt Tín xin giới thiệu bài viết quan trọng của một luật sư về vấn đề đang gây nhiều rắc rối này.

Luật không rõ

Theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gọi chung là “Luật SHTT”), tên thương mại là “tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.

[1] Một tên sẽ được bảo hộ như tên thương mại nếu tên này “không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.

[2] Mặc dù Luật SHTT đã đưa ra một loạt các tiêu chí để xác định yếu tố “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn” của một dấu hiệu,

[3] Luật SHTT đã không xác định được “khu vực kinh doanh” là gì. Trong Luật SHTT, “khu vực kinh doanh” được định nghĩa là “khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”,

[4] nhưng định nghĩa này là không rõ ràng. Liệu theo định nghĩa này thì “khu vực kinh doanh” có thể được hiểu là bất kỳ khu vực địa lý nào mà doanh nghiệp phân phối sản phẩm đến? Hay “khu vực kinh doanh” là nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở chính, chi nhánh hay thậm chí chỉ là nơi doanh nghiệp đặt văn phòng giao dịch? Ví dụ, liệu một doanh nghiệp sản xuất nước mắm có được bảo hộ tên doanh nghiệp của mình như tên thương mại tại tỉnh Y trong lúc một doanh nghiệp khác cùng ngành đang sử dụng cùng tên đó cho sản phẩm của mình tại tỉnh Z?

[5]Quyền đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh và trên cơ sở sử dụng trước.

[6] Luật không yêu cầu phải đăng ký bảo hộ tên thương mại. Chủ sở hữu tên thương mại được quyền sử dụng tên thương mại trong các hoạt động kinh doanh của mình, như thể hiện tên thương mại đó trên các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, bao bì, v.v…

[7] Vì thế, nếu “X” được sử dụng trên các bao bì sản phẩm, hàng hóa, quảng cáo của một doanh nghiệp, về nguyên tắc “X” sẽ được xem là tên thương mại (nếu tên này thỏa mãn các điều khác của Luật SHTT như đã nói) và doanh nghiệp này sẽ được coi là chủ sở hữu của tên thương mại “X”.

Tên Doanh Nghiệp là Tên Thương Mại?

Nhiều người cho rằng tên của doanh nghiệp là, hoặc ít ra được xem là, tên thương mại.

[8] Tuy nhiên, không có bất kỳ văn bản luật nào xác nhận điều này.

[9] Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gọi chung là “Luật DN”), tên của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: (1) loại hình doanh nghiệp, như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, v.v…, và (2) tên riêng của doanh nghiệp.

[10] Nghĩa là, ví dụ như, nếu X là tên riêng của doanh nghiệp, tên của doanh nghiệp sẽ là “Công ty TNHH X”. Ngoài ra, “doanh nghiệp có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư hay yếu tố phụ trợ khác để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp […]”.

[11] Ví dụ, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể chấp nhận tên “Công ty TNHH Nước mắm X” là tên doanh nghiệp.

Quyền đối với tên doanh nghiệp được xác lập khi doanh nghiệp đăng ký tên này.

[12] trong quá trình đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

[13] Doanh nghiệp, sau đó, phải (và có quyền) viết hoặc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp và in hoặc viết tên doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

[14] Do đó, nếu căn cứ theo định nghĩa về tên thương mại (là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và “khu vực kinh doanh”), việc sử dụng tên doanh nghiệp theo những cách này có thể khiến tên doanh nghiệp trở thành tên thương mại. Tuy nhiên, tên doanh nghiệp không nhất thiết luôn luôn là tên thương mại. Vì hai lý do sau. Thứ nhất, như đã nói ở phần trên của bài viết, khái niệm “khu vực kinh doanh” trong định nghĩa tên thương mại là không rõ ràng và gần như không giúp xác định được “khu vực kinh doanh” là gì. Thứ hai, phạm vi bảo hộ tên thương mại khác phạm vi bảo hộ của tên doanh nghiệp. Điểm này sẽ được nói rõ ở phần kế tiếp của bài viết.

Bảo Hộ Tên Thương Mại và Bảo hộ Tên Doanh Nghiệp

Theo Luật DN, tên của một doanh nghiệp có thành phần tên riêng trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký sẽ không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận.

[15] Nghĩa là, về mặt nguyên tắc, nếu tên “Công ty TNHH X” đã được đăng ký, các doanh nghiệp khác sẽ không thể sử dụng tên có thành phần tên riêng là “X” để tiến hành đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế bảo hộ này chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố, mà cụ thể là tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp liên quan tiến hành đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu “Công ty TNHH X” được đăng ký tại tỉnh Y, Luật DN không cấm doanh nghiệp khác đăng ký tên “Công ty TNHH X” tại tỉnh Z.

[16] Quy định như vậy, Luật DN rõ ràng đã tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp khi áp dụng Luật trong thực tế. Không những làm xuất hiện một số lượng lớn các doanh nghiệp trùng tên trên toàn quốc,

[17] quy định này còn gây khó khăn cho chế định bảo hộ tên thương mại theo Luật SHTT (sẽ được nói rõ ở dưới đây).

Rõ ràng rằng doanh nghiệp sẽ sử dụng tên doanh nghiệp trên bao bì hàng hóa, sản phẩm của mình, ví dụ như bao bì sản phẩm sẽ ghi “sản phẩm của Công ty TNHH X”. Bằng cách này, tên doanh nghiệp có thể được xem là tên thương mại theo Luật SHTT. Tuy nhiên, theo Luật DN, một doanh nghiệp khác (“doanh nghiệp thứ hai”) lại hoàn toàn có quyền đóng gói sản phẩm của mình với cùng một cách tương tự như doanh nghiệp kia (“doanh nghiệp thứ nhất”), do doanh nghiệp thứ hai này đã đăng ký kinh doanh với cùng tên doanh nghiệp tại một tỉnh, thành phố khác. Do đó, tên của doanh nghiệp thứ hai cũng có thể được xem là tên thương mại. Câu hỏi đặt ra ở đây sẽ là, (1) doanh nghiệp nào sẽ được bảo hộ theo Luật SHTT, và (2) cơ chế bảo hộ sẽ như thế nào?

(1) Như đã nói ở phần đầu của bài viết, tên thương mại được bảo hộ trên cơ sở sử dụng trước. Do đó, về mặt nguyên tắc, trong trường hợp nêu ở trên về hai doanh nghiệp trùng tên, sử dụng tên doanh nghiệp của mình trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào sử dụng tên đó trước sẽ được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của tên thương mại đó.

Tuy nhiên, vấn đề thực tế không đơn giản chút nào. Như đã nói, thành tố để xác định một tên thương mại bao gồm “lĩnh vực kinh doanh” và “khu vực kinh doanh”. Trong khi “lĩnh vực kinh doanh” thì quá rõ ràng, “khu vực kinh doanh” gần như không thể xác định được.

Lấy lại ví dụ vừa rồi về hai doanh nghiệp trùng tên – doanh nghiệp thứ nhất và doanh nghiệp thứ hai. Nếu doanh nghiệp thứ nhất đóng gói bao bì sản phẩm với tên của doanh nghiệp và phân phối sản phẩm tại tỉnh Y. Sau đó, doanh nghiệp thứ hai cũng đóng gói sản phẩm của mình với tên doanh nghiệp mình và phân phối sản phẩm tại tỉnh Z. Hai doanh nghiệp này không những trùng tên mà, giả sử, còn hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Vậy, liệu hành vi đóng gói sản phẩm dưới tên doanh nghiệp của doanh nghiệp thứ nhất có được xem là “sử dụng trước” hay không?

Nếu câu trả lời là “Có”, có nghĩa là “khu vực kinh doanh” trong trường hợp này phải được hiểu là toàn lãnh thổ Việt Nam.

[18] do doanh nghiệp thứ nhất sử dụng tên doanh nghiệp (như là tên thương mại) trước nhưng lại chỉ trong giới hạn địa lý của tỉnh Y, và doanh nghiệp thứ hai sử dụng tên đó sau nhưng cũng chỉ trong giới hạn của tỉnh Z. Ngược lại nếu câu trả lời là “Không”, có nghĩa là “khu vực kinh doanh” phải được diễn giải riêng lẻ là tỉnh Y và tỉnh Z, tức là khu vực địa lý nơi doanh nghiệp phân phối sản phẩm và do đó “có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng”.

[19](2) Luật DN quy định “trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên”.

[20] Nếu áp dụng quy định này vào ví dụ vừa rồi, một trong hai doanh nghiệp, nếu bị cho là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sẽ phải đổi tên doanh nghiệp của mình mặc dù cả hai doanh nghiệp đều đã hoàn toàn tuân thủ quy định của Luật DN trong quá trình các doanh nghiệp này tiến hành đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, vấn đề đổi tên doanh nghiệp bắt buộc – nói thì dễ như thực tế thực hiện được hay không là một vấn đề khác. Hãy cứ tưởng tượng làm thế nào mà 722 doanh nghiệp trùng tên ở Hà Nội[21] tiến hành đổi tên?

Giải pháp

Giải pháp duy nhất cho tình trạng chồng chéo giữa Luật DN và Luật SH chỉ có thể là: thứ nhất, Luật SHTT phải được sửa đổi để làm rõ khái niệm “khu vực kinh doanh” trong định nghĩa tên thương mại. Hiện tại, thẩm phán, luật sư, v.v… giải thích khái niệm “khu vực kinh doanh” theo kiểu mỗi người một ý. Thứ hai, Luật DN cũng phải được sửa đổi mà cụ thể là phần quy định về tên doanh nghiệp, để các quy định này không gây ra thêm khó khăn, phức tạp khi áp dụng Luật trong thực tế và không gây ảnh hưởng đến các chế định bảo hộ tên thương mại theo Luật SHTT như hiện nay.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận