Cảnh giác những chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng bịp bợm

Hiện nay, rất nhiều cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng rất tinh vi nên cơ quan chức năng rất khó nắm bắt và xử lý. Những tháng gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) phát hiện nhiều website quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm nhưng khi kiểm tra thì các cơ sở cung cấp sản phẩm đều khai báo không biết ai đã thực hiện quảng cáo đó.

Cụ thể, trên hai website cuahanghanquoc.com và chuyenhangxachtay.vn có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hanmi glucosamine 100 do công ty CP Seiko Pharma công bố thực phẩm chức năng, chịu trách nhiệm sản phẩm. Quảng cáo này có nội dung vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm chức năng của pháp luật. Tuy nhiên khi Cục An toàn thực phẩm làm việc với công ty CP Seiko Pharma thì đại diện công ty khẳng định 2 website vi phạm không phải của công ty, công ty không thực hiện quảng cáo dịch vụ trên 2 website kể trên.

Cảnh giác những chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng bịp bợm

Chính vì thế, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng đối với hoạt động quảng cáo, mua bán sản phẩm Hanmi glucosamine 100 trên 2 website trên không được đảm bảo chất lượng theo hồ sơ công bố thực phẩm chức năng được cơ quan chức năng xác nhận.  Có thể thấy, hiện nay tình trạng sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra ngày càng nhiều, hàng chục vụ việc đã bị Cục An toàn thực phẩm phát hiện.

Tháng 5 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện trên một số trang thông tin điện tử của một số đơn vị có uy tín cũng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng. Cụ thể, trên các website thaoduochocvienquany.com; vienquany.com quảng cáo sản phẩm Nanocurcumin – Tam thất – Xạ đen. Tuy nhiên khi Cục làm việc với công ty TNHH TM&DV Phương Linh là công ty phân phối sản phẩm này thì công ty khẳng định không có website, các webiste kể trên không phải của công ty nên công ty TNHH TM&DV Phương Linh không chịu trách nhiệm về các nội dung quảng cáo đó.  Cục An toàn thực phẩm lại có thông báo cảnh báo người tiêu dùng về việc mua bán sản phẩm Nanocurcumin – Tam thất – Xạ ở các webiste trên không được đảm bảo chất lượng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục đã ban hành 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 24 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng, trong đó một nửa cơ sở vi phạm về quảng cáo. Ngoài ra, Cục đã buộc dừng hành vi vi phạm, tiêu hủy thu hồi sản phẩm vi phạm, tháo gỡ quảng cáo sai quy định, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Với những cơ sở vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng được xác minh thì việc xử phạt, yêu cầu khắc phục là dễ dàng. Ngược lại với những quảng cáo sai phạm mà không xác định được chủ thể quảng cáo thì rất khó để cơ quan chức năng xử lý. Rõ ràng đã có hành vi lách luật trong quảng cáo thực phẩm chức năng, cơ quan nhà nước phải chứng minh được chủ thể thực hiện quảng cáo mới xử lý được trong khi các quảng cáo trên mạng xã hội, website không chính thống, tờ rơi rất khó chứng minh.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay, theo quy định trong Thông tư 09 của Bộ Y Tế, các quảng cáo thực phẩm chức năng đều phải được thẩm định nội dung, bắt buộc có thêm chi tiết “Sản phẩm không thay thế được thuốc chữa bệnh” và không chỉ định điều trị bệnh cụ thể. Cục sẽ kết hợp với cơ quan chức năng liên quan tiến hành xử lý nghiêm các vi phạm. Với những trường hợp quảng cáo trên website vi phạm nhưng cơ sở chịu trách nhiệm công bố sản phẩm không thừa nhận hành vi đó thì Cục An toàn thực phẩm sẽ ra thông báo cảnh báo người tiêu dùng và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.

 

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận