Cảnh giác với sản phẩm đội lốt Made in Vietnam

Cụm từ “made in Vietnam” được người tiêu dùng Việt hiểu theo nghĩa hàng hóa do doanh nhân Việt Nam sản xuất. Toàn bộ khâu gia công, chế biến và nguyên vật liệu sử dụng đều của người Việt. Tuy nhiên đây là cách hiểu sai lầm dẫn tới tình trạng tráo xuất xứ, hàng giả, hàng lậu ngày càng tăng.

Hiểu thế nào là hàng hóa made in Vietnam?

Made in Vietnam hay made in China, made in USA,… là cụm từ ám chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Theo quy định của pháp luật, hàng hóa được coi là có xuất xứ tại Việt Nam bao gồm:

  • Hàng hóa có xuất xứ thuần túy: Sản phẩm 100% sản xuất, chế biến và sử dụng nguyên vật liệu trong nước. Điển hình là các sản phẩm nông sản, thủy sản như vải Lục Ngạn, tôm nuôi xuất khẩu,…
  • Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy: Sản phẩm không được sản xuất toàn bộ tại Việt  Nam nhưng được gia công, hoàn thiện tại Việt Nam. Có tỷ lệ giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam từ 30% trở lên. Điển hình là hàng may mặc, công nghệ.

Như vậy có thể hiểu hàng made in Vietnam là hàng được sản xuất, gia công và hoàn thiện tại Việt Nam nhưng chưa chắc các nguyên liệu tạo nên hàng hóa đó 100% đến từ Việt Nam.

Khăn lụa Khaisilk nhiều năm được đánh giá là hàng Việt Nam chất lượng cao đã bị lật tẩy khi thực chất là hàng sản xuất từ Trung Quốc

Một sản phẩm có xuất xứ thuần túy và gắn mác made in Vietnam thường đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt và bán với mức giá cao. Tuy nhiên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, nhiều đơn vị tráo xuất xứ bằng cách gắn mác made in Vietnam để kiếm lời. Điển hình là vụ khăn lụa Khải Silk được vinh danh hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền đã bị tố giác là lừa đảo, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác Việt nam.

Thực trạng nhập hàng giá rẻ gắn mác made in Vietnam

Theo thông tin, mới đây, hải quan Việt Nam đã phát hiện 4 xe tải vận chuyển khoảng 100 tấn hàng nhập lậu từ Trung Quốc có gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Bao gồm quần áo,  xe đạp điện, phụ tùng xe máy, sản phẩm điện gia dụng,… 

Những sản phẩm này còn trắng trợn ghi rõ là nơi sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) kèm hạn bảo hành 1 năm. Kiểm tra thêm sản phẩm còn có cả giấy chứng nhận quy chuẩn và chứng nhân hàng Việt Nam chất lượng cao.

Chưa hết, lực lượng chức năng cũng kiểm tra và phát hiện một số vụ nhỏ lẻ tráo xuất xứ khác như trường hợp:

  • Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng (quận Tân Phú, Tp.HCM) nhập loa đài Trung Quốc nhưng gắn mác made in Vietnam.
  • Công ty TNHH Thương mại Aeolus Henan nhập lậu 2880 bút bi gắn mác Thiên Long, 287 hàng hóa không khai báo hải quan,…
  • Công ty TNHH H.T (Tp.HCM) nhập lậu 6 container gạch ốp tráng men từ Trung Quốc trên bao bì ghi made in Vietnam.

Từ các vụ việc trên có thể thấy thực trạng đáng báo động của hàng nhập lậu và gắn mác Việt Nam. Điều này đặt ra yêu các nâng cao chất lượng quản lý, giám sát và có các hình thức xử phạt nghiêm minh với trường hợp cố tình nhập lậu lừa niềm tin người tiêu dùng.

Thực trạng đáng báo động khi hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào gắn mác Việt Nam bán với giá trên trời

Nguyên nhân tình trạng gắn mác made in Vietnam ngày càng phổ biến

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do những lỗ hổng trong chính quy định của pháp luật Việt. Trong nghị định 43/2017/NĐ-CP đã quy định về nhãn mác với hàng hóa lưu hành tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu. Nhưng vẫn còn đó những lỗ hổng như:

  • Chưa có quy định điều chỉnh việc ghi nhãn hàng hóa tại Việt Nam.
  • Chưa có các quy định về bộ tiêu chí, tỷ lệ nội địa để xác định hàng hóa được phép ghi mác sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề pháp lý, việc chưa kiểm soát được tình trạng in tem mác tràn lan cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Muốn có được chiếc tem để gắn vào sản phẩm, người ta chỉ cần ra chợ, nói yêu cầu là trong nháy mắt đã có hàng đống tem mác được sản xuất ra với số lượng tùy thích. Vấn đề này không phải mới nhưng cơ quan quản lý đến nay vẫn chưa dẹp hết được những cơ sở kinh doanh bất chính này.

Cuối cùng phải kể đến lợi ích kinh tế mà những “thương nhân” này nhận được từ việc bán hàng nhái có mác Việt Nam. Lợi nhuận cao hơn, mức thuế thấp hơn hoặc nhiều trường hợp trốn được thuế,… đã làm “lương tâm” của họ bị che mất trước những khoản tiền khổng lồ có thể thu lại được.

Giải pháp khắc phục: 

Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định rõ ràng về tỉ lệ phần trăm thành phần nội địa để làm cơ sở đối chiếu. Đồng thời đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm hơn nữa đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai mác xuất xứ, gồm cả phạt tài chính và quy trách nhiệm hình sự. 

Bên cạnh đó, là đối tượng trực tiếp sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần chủ động cảnh giác, tìm hiểu rõ xuất xứ nguồn gốc hàng hóa chuẩn bị mua. Không ham hàng giá rẻ, phải tự đặt ra nghi vấn khi thấy một sản phẩm có thương hiệu được bán với giá thấp đến một nửa. Cũng không chủ quan với các sản phẩm giá cao, vì rất có thể bạn đang bị lừa bởi trò chơi “tráo mác”. Hãy tỉnh táo để phân biệt được hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng dởm gắn mác made in Vietnam!

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận