Chỉ có 40% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay của ngân hàng

Thông tin từ hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp” diễn ra s​áng ngày hôm nay 17/05, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay.

Bộ trưởng cho hay, theo phản ánh chỉ có 40% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay của ngân hàng. ​Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tồn tại rất nhiều vướng mắc, doanh nghiệp hầu như không có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng qua kênh này.

Hơn nữa, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục…

Bộ trưởng nhấn mạnh, lãi suất bình quân của Việt Nam hiện nay là 7%-9% có cao hơn nhiều nước trong khu vực, đơn cử Trung Quốc chỉ có 4,3%, Malaysia là 4,6%, Hàn Quốc 2-3% còn Nhật Bản chỉ là 0,95%.

Dẫn chứng thêm, theo Bộ trưởng, chi phí để vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 03 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam, trong khi đó chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ mức 1,5-2 lần so với trước đây, thời gian kéo dài từ 7-10 ngày .

“Những chi phí không chính thức đang là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong những thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện, có tới 66% doanh nghiệp trong khảo sát PCI năm 2016 xác nhận trả loại phí này,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về phía các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra nhiều yếu kém theo đó quy mô của nghiều doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo chỉ chiếm có 16% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, còn lại chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và bất động sản.

“Đây là rào cản lớn nhất gây hạn chế khả năng tham gia cụm, chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu,” Bộ trưởng đã nêu rõ.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các Bộ, ngành địa phương sớm xoá bỏ mọi rào cản, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh đến  những cơ chế chính sách, Bộ trưởng ​đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ sớm hoàn thành chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời chú trọng đảy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ và thúc đẩy sản xuất.

​Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp, theo đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “chữ tín” trong kinh doanh, theo Bộ trưởng doanh nghiệp cần tập trung đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp để có thể tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới.

“Yếu tố then chốt là người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi cách tư duy, thái độ làm việc, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ,” Bộ trưởng kiến nghị.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận