Doanh nghiệp FDI vẫn thua lỗ, mảng tối về chuyển giá

Cuốn theo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã kéo theo những hệ lụy là vấn đề chuyển giá ở Việt Nam trầm trọng hơn nhiều nền kinh tế của các nước khác.

Những người quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam không quá bất ngờ trước thực trạng hơn 40% doanh nghiệp FDI giai đoạn 2007-2015 thông báo thua lỗ nhưng nhiều trong số các doanh nghiệp FDI vẫn xin đầu tư và mở rộng sản xuất.

Phải thừa nhận thông tin từ Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2016 đưa ra là vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Những điều bất thường này càng cho thấy, đối với các doanh nghiệp FDI, do thông số đầu vào của sản xuất ở những nước khác như mức thuế suất, giá nhân công, chính sách bán hàng của từng sản phẩm… khác nhau, các doanh nghiệp, nhất là những tập đoàn đa quốc gia, dễ lợi dụng và thực hiện chuyển giá. Đặc biệt những chính sách ưu đãi đặc thù từ Việt Nam cho khối doanh nghiệp này như miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 09 năm); cho phép chuyển lỗ (trong 05 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư…

Doanh nghiệp FDI vẫn thua lỗ, mảng tối về chuyển giá

Vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, do đó phức tạp và khó giải quyết hơn, một phần khác bởi khung pháp lý còn hạn chế những hoạt động này chưa thực sự hội nhập. Tuy nhiên, đã có những bài học khiến chúng ta không thể làm ngơ. “Doanh nghiệp FDI mặc dù báo lỗ nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) lại khá cao, luôn đứng đầu trong 3 khu vực doanh nghiệp. Điều này cho thấy vấn đề chuyển giá vẫn chưa được giải quyết”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh.

Chuyện cũ ở Formosa, chuyện mới ở Besra

Tháng 08/2016, trong khi nỗ lực khắc phục sự cố môi trường từ Formosa vẫn đang được thực hiện, dư luận lại bất ngờ trước những thông tin, trong vòng 02 năm từ 2014-2016, Cục Thuế Hà Tĩnh đã hoàn tổng cộng 13.483 tỉ đồng thuế GTGT cho Formosa. Bất ngờ hơn, theo giải thích từ các cơ quan liên quan, đứng đầu là Tổng Cục Thuế, việc này hợp pháp chiếu theo những ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nhập khẩu những máy móc, thiết bị… trong nước chưa sản xuất được. Tại thời điểm đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như Formosa được hoàn thuế dù nhập công nghệ cốc ướt, lạc hậu và có nguy cơ gây ô nhiễm cao, có hay không việc khai khống giá trị máy móc nhập khẩu để nhận khoản hoàn thuế lớn hơn thực tế…

Vẫn chưa có một lời giải đáp nào thỏa đáng cho các thắc mắc trên nhưng con số 13.483 tỉ đồng cao hơn nhiều cả mức bồi thường 11.500 tỉ đồng cho thiệt hại kinh tế, xử lý môi trường biển của các tỉnh miền Trung khiến cho những người có tâm huyết phải đặt dấu hỏi về chủ trương trải thảm đỏ ưu đãi FDI. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi trao đổi với NCĐT, vụ việc của Formosa là ‘’bài học quá đau đớn’’. Việt Nam không thể 02 lần chịu thiệt khi vừa phải ưu đãi thuế vừa trở thành bãi đáp công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn rủi ro quá lớn cho môi trường và sinh kế của người dân.

Sẽ rất khó nếu doanh nghiệp chủ động tăng chi phí sản xuất, giảm nghĩa vụ đóng góp thuế cho ngân sách địa phương. Trường hợp Tập đoàn Besra Việt Nam đào vàng ở 02 mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) nhưng vẫn kêu lỗ và nợ thuế hàng trăm tỉ đồng. Trong động thái mới nhất, Besra đã tuyên bố rút khỏi 02 dự án khai thác vàng lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời bán lại toàn bộ tài sản cho 02 người quen, từng là quản lý cấp cao của Besra. Từng trải qua sự thua lỗ của doanh nghiệp khai thác vàng này mà vẫn quyết định mua lại tài sản từ Besra, quyết định của hai vị cựu quản lý được xem như một điều “bất thường” nếu xét từ quan điểm kinh tế đơn thuần minh bạch.

Nghi ngại phù phép việc chuyển giá một lần nữa được xét tới và xem ra lại có căn cứ hơn những tính toán thần kỳ biến 01 doanh nghiệp khoáng sản đang trong quá trình thua lỗ thành lãi. Theo đó, doanh nghiệp lựa chọn “phá sản khôn ngoan” để tránh phải nộp thuế, thâu tóm 100% cổ phần cho các tính toán kinh doanh sinh lời tiếp theo. Theo cách thức này, việc thu hồi nợ thuế của Besra sẽ khả thi bởi doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo luật định. Một vấn đề nhức nhối khác là những khoản nợ từ Besra với doanh nghiệp địa phương, đến mức một một vị lãnh đạo thị trấn phải từ chức để tiện bề đi đòi nợ.

Những cảnh báo đã đưa ra

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế các hoạt động chuyển giá và đã đạt được những kết quả nhất định. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 09 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có những dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn 1.559,8 tỉ đồng, giảm lỗ 4.720 tỉ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỉ đồng. Song song với đó, các cơ quan quản lý đang hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, năng lực đạo đức và chuyên môn của đội ngũ cán bộ thuế, hạn chế thấp nhất những kẽ hở.

Chuyên gia Phạm Chi Lan lưu ý thêm: “Chúng ta không thể loại trừ vấn đề tiêu cực, dung túng cho hành vi chuyển giá từ phía các cơ quan quản lý địa phương. Thứ nhất, trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, đã có hiện tượng thương lượng, bỏ qua, thậm chí, thỏa thuận mức nộp thuế. Điều đó cũng có thể xảy ra trong khu vực FDI, đặc biệt, việc bỏ ra một khoản tiền để giảm tiền phải đóng vào ngân sách, thoát khỏi tiếng gian lận, chuyển giá dường như là một phương án tốt hơn với bất kể doanh nghiệp nào. Ngoài ra, sự vị nể nhất định của địa phương đối với những doanh nghiệp FDI trên địa bàn cũng khiến thuộc cấp phần nào không dám mạnh tay với họ. Trong khi đó, với cơ chế hiện nay ở Việt Nam, muốn truy cứu trách nhiệm của tập thể đã khó, truy cứu trách nhiệm của cá nhân lại càng khó hơn”.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là cần phải tăng nguồn thu, đảm bảo cân đối ngân sách, Tiến sĩ Lê Xuân Sang tự tin, vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ đỡ hơn nhiều trong thời gian tới. Chúng ta sẽ trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư chân chính, chứ không phải các doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác các điểm thiếu hoàn thiện trong hệ thống luật pháp và quản lý để thu lợi. Việt Nam vẫn đang cần dòng vốn đầu tư nước ngoài để tiếp sức cho nền kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư không còn dễ dàng như trước. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhận thức rõ, chúng ta không thể “vơ bèo, vạt tép”, lờ đi các sai phạm của họ. Nói như các chuyên gia thì cách tiếp cận hiện tại là đúng đắn, chỉ cần nỗ lực hơn, chuyên nghiệp hơn và công tâm hơn.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận