Hỏi: em muốn hỏi về thủ tục làm sổ đỏ hiện nay

Em xin chào các anh chị, em rất mong nhận được sự tư vấn của các anh chị đối với trường hợp của nhà em ạ!

Nhà chồng em hiện đang đóng thuế đất hàng năm trên diện tích sử dụng là 288m2, diện tích đất này là dựa trên lời nói của bà nội chồng khi còn sống chia cho các con số lượng đất ra sao (nhà e đã từng gọi địa chính vào đo từ hồi xưa nhưng hiện nay k có giấy tờ địa chính mà chỉ có giấy nộp tiền thuế đất hàng năm). Đất của nhà em là đất thổ cư, hiện tại chưa có sổ đỏ.

Đợt này phường nơi em ở tiến hành làm sổ đỏ cho các hộ chưa có, nhà e cũng nằm trong diện làm hồ sơ đợt này. Nhưng vấn đề là mảnh đất nhà em và nhà chú ruột bên cạnh có chung 1 đoạn cổng ngõ hiện nay đã bị nhà chú xây lấn vào diện tích đất của nhà chú (ước chừng khoảng hơn 20m2 làm đường vào nhà em bị nhỏ và rất hẹp. Theo lời bố chồng em nói là đoạn cổng ngõ đấy bà nội chia lại cho 2 nhà mỗi nhà 1 nửa, bố mẹ chồng e định đợt này làm sổ sẽ làm đơn lên phường để kiến nghị về khoảng đất đấy luôn (chính xác là đòi đường đi vào nhà ạ). Nhưng hiện tại nhà e chỉ giữ mỗi giấy nộp tiền thuế đất, k có di chúc của bà và giấy tờ địa chính. Em mong các anh chị tư vấn giúp em xem trong trường hợp này khi nhà e tiến hành làm sổ đỏ thì cần phải làm những thủ tục gì và về mảnh đất đường đi chung đó có nên làm đơn để đòi về k ạ. Em xin chân thành cám ơn các anh chị!

Nếu gia đình bạn muốn được cấp GCN QSD đất thì phải chấp nhận mốc giới hiện tại (ký kết với các hộ liền kề là không có tranh chấp về mốc giới hiện trạng sử dụng đất là không tranh chấp, không lấn chiếm….). Nếu có tranh chấp về mốc giới giữa hai gia đình mà chưa được giải quyết dứt điểm thì thửa đất đó sẽ không được cấp GCN QSD đất.

Nếu UBND quận cấp GCN QSD đất cho gia đình bạn không dựa vào hiện trạng sử dụng đất mà chỉ căn cứ trên hồ sơ địa chính (Bản đồ) thì sau khi được cấp GCN QSD đất thì gia đình bạn có thể khởi kiện để đòi lại phần diện tích đất lấn chiếm đó.

Để giải quyết dứt điểm, triệt để phần lấn chiếm đó thì gia đình bạn có thể thương lượng với gia đình nhà chú bạn. Nếu không thương lượng được thì có thể yêu cầu UBND phường hòa giải và yêu cầu Tòa án, hoặc UBND quận giải quyết vụ việc tranh chấp đó theo pháp luật. Để có căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì bạn có thể xin cấp trích lục bản đồ, trích sao hồ sơ địa chính tại UBND phường hoặc Phòng TN&MT.

Nếu thửa đất đó có nguồn gốc là thừa kế thì phải có di chúc hợp pháp hoặc thỏa thuận của các đồng thừa kế khác thì gia đình bạn mới được cấp GCN QSD đất. Nếu có tranh chấp thì thửa đất đó sẽ không được cấp GCN QSD đất.

Nếu thửa đất của gia đình bạn đã có 1 trong các loại giấy tờ theo khoản 1, 2, hoặc khoản 5, Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và các giấy tờ đó đã xác định rõ diện tích, ranh giới thửa đất, đến nay vẫn không có biến động thì sẽ được cấp GCN QSD đất căn cứ vào số liệu, diện tích trên các giấy tờ đó.

Nếu thửa đất của gia đình bạn cấp không thuộc trường hợp trên mà theo trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 50 Luật đất đai, ranh gới thửa đất chưa được xác định thì phải đo lại thửa đất và các gia đình hàng xóm ký xác nhận ranh giới và không có tranh chấp thì gia đình bạn mới được cấp GCN QSD đất.

Bạn tham khảo quy định pháp luật sau đây:

Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02-8-2007 của Bộ Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn việc xác lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính quy định:

Ranh giới thửa đất được xác định khi đo vẽ bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận theo quy định như sau:

Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất (mô tả các mốc ranh giới hoặc ghi kích thước từng cạnh thửa) với các thửa đất liền kề và hiện trạng đường ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có thì đường ranh giới thửa đất được xác định theo giấy tờ đó; trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có một trong các loại giấy tờ đó nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới của thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì việc xác định ranh giới thửa đất thực hiện như sau:

– Đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (gọi chung là đơn vị đo đạc) có trách nhiệm xem xét cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, ý kiến của những người sử dụng đất liền kề để xác định và lập bản mô tả về ranh giới thửa đất; chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất cho những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất và người nhận bản mô tả có trách nhiệm ký xác nhận về việc đã nhận bản mô tả này;

– Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả, nếu người nhận bản mô tả không có đơn tranh chấp về ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó;

Các cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ địa chính và giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận không được buộc người làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận lấy xác nhận của người sử dụng đất liền kề. Trường hợp người sử dụng thửa đất liền kề vắng mặt dài ngày thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất đó cho UBND cấp xã để gửi cho người sử dụng đất liền kề; trường hợp đến khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với thửa đất liên quan đến đường ranh giới đó mà chưa gửi được bản mô tả cho người sử dụng đất liền kề thì UBND cấp xã ghi xác nhận vào đơn xin cấp Giấy chứng nhận “Chưa gửi được bản mô tả thửa đất cho… (ghi tên và địa chỉ của người sử dụng đất liền kề vắng mặt)”. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi thông báo ba lần trong thời gian không quá 10 ngày trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương về việc xác định ranh giới chung của các thửa đất; chi phí cho việc thông báo được tính chung trong chi phí cấp Giấy chứng nhận và được lấy từ nguồn ngân sách. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không có đơn tranh chấp của người sử dụng đất liền kề thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó;

Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì Đơn vị đo đạc có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã để giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai và ranh giới thửa đất được đo đạc theo kết quả giải quyết tranh chấp đó.

Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng và đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp sử dụng đất thành 2 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi UBND cấp xã để giải quyết.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận