Kem Thủy Tạ đang dần “tan chảy”

Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem đã có từ rất lâu đời và đã từng chiếm giữ vị trí cao trong tất cả các thương hiệu kem tại Việt Nam. Tuy nhiên trong 5 năm qua, kem Thủy Tạ đã không còn có dấu hiệu tăng trưởng thậm chí đã có những dấu hiệu “tan chảy” thấy rõ.

Kem Thủy Tạ đang dần “tan chảy”

1. Kem Thủy Tạ “tan chảy”

Theo kết quả thống kê năm 2016 vừa qua, kem Thủy Tạ đã có đóng góp hơn 54 tỷ đồng, tương đương với ½ tổng doanh thu của Công ty cổ phần Thủy Tạ. So với năm 2015 thì đây là kết quả tăng về cả doanh thu và lợi nhuận, cụ thể doanh thu tăng 6,3% và lợi nhuận tăng 19%. Tuy nhiên khi lội ngược về 5 năm trước và so sánh thì cả doanh thu và lợi nhuận Kem Thủy Tạ mang lại năm 2016 gần như không có sự tăng trưởng.

Công ty chứng khoán Bản Việt đã có báo cáo về thị trường kem mới nhất và theo đó Kem Thủy Tạ đang dần “tan chảy” vị thế trong khi thị trường đang ngày càng khốc liệt. Suốt 5 năm qua, thị phần kem Thủy Tạ đã không hề tăng trưởng mà còn giảm từ 10,9% xuống 9,7%. Tuy không giảm nhiều song trước nên kinh tế cạnh tranh gắt gao, nhiều thương hiệu mới ra đời như Kido Foods rất được người tiêu dùng ưa chuộng sẽ trở thành một áp lực rất lớn đối với Thủy Tạ.

Kem Thủy Ta ra đời từ năm 1945, gắn liền với nhà hàng Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm. Năm 1958, Công ty Thủy Tạ được thành lập và Kem Thủy Tạ trở thành một thương hiệu nòng cốt. Kem Thủy Tạ lúc đó có giá rất rẻ với sản phẩm là kem lạnh cùng các hương vị truyền thống. Từ những năm cuối thế kỷ XX, Kem Thủy Tạ mới bắt đầu sản xuất kem một triệu lít mỗi năm trên dây chuyền của Ý. Nhờ đó Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.

Sau đó khi Unilever cho ra đời kem Wall’s cùng với Kido Foods và Vinamilk đã khiến các doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn, nhất là Thủy Tạ. Trong 5 năm qua lượng tiêu thụ kem tại Việt Nam tăng trưởng 15%/năm nhưng doanh thu kem Thủy Tạ chỉ đạt mức 50 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó Kido Foods tăng khoảng 77% từ 2013 đến nay và đặc biệt năm 2016 đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.

2. Kem Thủy Tạ ngừng tăng trưởng nguyên do từ đâu?

Kem Thủy Tạ gần như không tăng trưởng suốt 5 năm qua chính là do hai điểm yếu nổi bật nhất, đó là do quy mô sản phẩm còn hạn chế và hệ thống phân phối không được đầu tư.
Thương hiệu Kem Thủy Tạ đã tồn tại hơn 70 năm qua nhưng từ đó đến nay chỉ có gần 300 điểm bán hàng hầu hết tập trung tại Hà Nội. Quy mô sản phẩm cũng chỉ gồm 10 loại kem hộp và 9 loại kem que ở mức giá vừa túi tiền. Trong khi đó Kido Foods hay Vinamilk vô cùng đa dạng sản phẩm. Nhất là Kido Foods có khoảng 200 loại, Vinamilk khoảng 50 loại và Unilever với kem Wall’s có trên 20 loại. Các thương hiệu kem này không chỉ tập trung phân khúc vừa túi tiền mà còn phân khúc từ cao tới thấp.

Trưởng phòng kế hoạch Công ty CP Thủy Tạ – Ông Bùi Thế Trụ cho biết, hiện nay khó khăn của Thủy Tạ là vốn kinh doanh. Hiện tại vốn điều lệ doanh nghiệp chỉ có 30 tỷ đồng nên không thể thực hiện đầu tư mở rộng. Trước đó năm 2010 – 2011, Thủy Tạ đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất kem với 150 tỷ đồng song dù đã thông qua nhưng việc triển khai đã ngừng lại bởi không có đủ tiền. Ông Trụ cũng chia sẻ rằng Công ty cũng muốn tăng vốn để mở rộng quy mô dựa trên những ưu thế sẵn có song đây vẫn là công ty Nhà nước dó Hapro sở hữu hơn 50% và Hapro có thể sẽ thoái vốn trong năm tới. Vì vậy những kế hoạch đầu tư mới sẽ chỉ được khởi động sau khi Hapro thoái vốn và xuất hiện nhà đầu tư mới.

Công ty chứng khoán Bản Việt đã nhận định rằng trong suốt 5 năm qua Thủy Tạ không có sự thay đổi nào đáng kể về cả bao bì sản phẩm, hương vị kem và cả chiến lược marketing. Thủy Tạ cần phải nhanh chóng thay đổi thì mới mong giữ vững được vị thế trên thị trường bởi hiện nay các đối thủ như Kido Foods, Vinamilk đang rất đẩy mạnh mở rộng và phát triển. Nếu Thủy Tạ không nhanh chóng thay đổi thì e rằng trong thời gian ngắn nữa thôi, thị trường trọng tâm Hà Nội của thương hiệu kem lâu đời này sẽ bị đe dọa.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận