Thực phẩm Việt Nam nhận được những tín hiệu tích cực trên thị trường xuất khẩu. Thủy sản đông lạnh, sữa, xoài, thanh long, sầu riêng, chôm chôm,…đã và đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… Đây là những thị trường tiềm năng nhưng cũng rất khó tính, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có thể xuất khẩu các loại thực phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành thủ tục công bố thực phẩm. Dù là các loại thực phẩm chức năng hay thực phẩm thường thì các sản phẩm này đều phải được thực hiện các thủ tục tại Cục hoặc chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2016, thì tất cả các loại hàng hóa bao gồm cả thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước vẫn phải ghi nhãn tiếng Việt.
Việc quy định như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu sản xuất. Việc ghi nhãn sản phẩm nhằm mục đích cung cấp thông tin cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, nguồn gốc, thông tin xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm không nhằm mục đích bán ra thị trường thì việc làm nhãn phụ sẽ vừa tốn kém cho doanh nghiệp, vừa không cần thiết.
Tại điểm 3 Nghị quyết 103/NQ-CP chính phủ đã cho phép thống nhất về việc cho phép các doanh nghiệp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Quy định này đã được Tổng Cục Hải quan – Bộ Tài chính có công văn số 11933/TCHQ- GSQL ngày 21/12/2016 và Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có Công văn số 7841/ATTP-PC ngày 15/12/2016 hướng dẫn.
Quy định này đã góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu khi không phải mất thêm chi phí làm nhãn phụ, cũng như chịu các thủ tục kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nguyên liệu đầu vào hay doanh nghiệp sẽ không phải tiến hành công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho những sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam theo loại hình sản xuất xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu.
Đối với những hàng hóa không thuộc trường hợp nêu trên thì khi nhập khẩu vào Việt Nam vẫn phải làm thủ tục công bố như thông thường.