Nhóm công ty có nền tảng là công ty mẹ – con

Nhóm công ty bao gồm 2 hình thức chính đó là tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty là thành phần kinh tế thuộc nhóm công ty có mỗi quan hệ thông qua sự sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc có một sự liên kết khác. Loại hình tập đoàn kinh tế và tổng công ty không được coi là một loại hình doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều số 188 của Luật doanh nghiệp 2014.

Bất cứ tập đoàn kinh tế hay tổng công ty nào cũng phải dựa trên mối quan hệ chính là công ty mẹ – con. Ngoài ra còn có thêm các loại công ty thành viên khác của tập đoàn kinh tế hay tổng công ty. Mỗi một công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty đều có quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân độc lập theo quy định tại Khoản 2 Điều số 188 của Luật doanh nghiệp.

Nhóm công ty có nền tảng là công ty mẹ – con

Mối hệ giữa công ty me – con được dựa vào 3 yếu tố chi phối về: vốn, bổ nhiệm nhân sự và Điều lệ của công ty. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu đáp ứng được 1 trong 3 trường hợp sau đây: sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên trong Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty đó; Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó theo Điều 189 về công ty mẹ và công ty con trong Luật doanh nghiệp 2014.

Như vậy, ngoài việc sở hữu trên 50% số vốn của công ty thì trong trường hợp chỉ sở hữu dưới 50% vốn của công ty khác thì vẫn có thể trở thành công ty mẹ. Chẳng hạn, nếu như trong Điều lệ của công ty có quy định việc Đại hội đồng cổ đông bầu thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải trên cơ sở nhân sự do một cổ đông nào đó chỉ sở hữu 40% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Từ “bổ nhiệm” ở đây cần được hiểu là bao gồm cả bầu, vì trên nguyên tắc, chỉ có bầu chứ không có việc bổ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị.

Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con đều phải dựa trên cơ sở tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Còn đối với hợp đồng  giao dịch và các mỗi quan hệ khác về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các pháp nhân là các chủ thể pháp lý độc lập. Trong trường hợp nếu công ty mẹ can thiệp ngoài phạm vi đó mà gây ảnh hưởng hoặc thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại đó theo quy định tại Điều số 190 Luật doanh nghiệp về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con.

Trước đây, Nhà nước chỉ thừa nhận tên gọi chính thức của tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước (không phải là công ty). Các doanh nghiệp dân doanh thì không được sử dụng cụm từ “Tổng công ty” và chỉ có thể tranh thủ chèn từ “Tập đoàn” vào giữa, rồi sau đó rút thành tên viết tắt. Còn tại Luật doanh nghiệp 2014, thì tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã chính thức công nhận để sử dụng chung cho các thành phần kinh tế và để chỉ các nhóm công ty.

 

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận