Những vướng mắc khi thực hiện thuế xuất nhập khẩu

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nhận được một số phản ánh từ phía các Cục Hải quan cấp tỉnh, thành phố và doanh nghiệp về vướng mắc trong việc thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ban hành ngày 01/09/2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan. Để xem xét và xử lý những vướng mắc của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7778/BTC-TCHQ nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan.

Những vướng mắc khi thực hiện thuế xuất nhập khẩu

Đối với áp dụng định mức miễn thuế đối với những loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Bộ Tài chính cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều số 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), trường hợp miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng được quy định tại Điều số 8, miễn thuế đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại được quy định tại khoản 01 Điều số 27 và miễn thuế đối với các mặt hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh theo quy định tại khoản 02 Điều số 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được áp dụng cho từng lần xuất khẩu, nhập khẩu.

Về việc quản lý thuế đối với những loại hàng hóa tái nhập để tái chế: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 09 Điều số 16 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 02 Điều số 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và khoản 05 Điều số 47 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ban hành ngày 21/01/2015, trong trường hợp doanh nghiệp tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để đem về tái chế thì không phải nộp thuế trong thời hạn tái chế nếu doanh nghiệp đã đăng ký thời hạn tái chế với cơ quan hải quan nhưng không được vượt quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập. Quá thời hạn tái chế đã đăng ký với cơ quan hải quan mà doanh nghiệp chưa tái xuất thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thuế.

Còn đối với xử lý thuế hàng hóa nhập khẩu để gia công sau khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công: Căn cứ theo quy định tại khoản 06 Điều số 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; điểm e khoản 01 Điều số 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 thì người nộp thuế phải thực hiện thủ tục với hải quan để xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa theo đúng như quy định tại Điều số 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Kết quả xử lý không thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì phải kê khai nộp thuế, kết quả xử lý thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì được giải quyết miễn thuế, không thu thuế theo quy định.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất từ ngày 01/09/2016: Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 09 Điều số 16 của bộ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, điểm c khoản 02 Điều số 3 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12, khoản 01, khoản 03 Điều 06 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ban hành ngày 28/10/2015 đối với loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn theo như quy định tại điểm đ khoản 09 Điều số 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn tạm nhập tái xuất.

Hết thời hạn tạm nhập, tái xuất mà doanh nghiệp vẫn chưa tái xuất thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng quy định và khi tái xuất được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo như quy định tại Điều số 06 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

Về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được thực hiện như sau:

Thuế giá trị gia tăng: Căn cứ theo quy định tại khoản 20 Điều số 05 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, khoản 02 Điều số 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, khoản 20 Điều 04 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013 đối với trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu phải đáp ứng theo đúng quy định tại Điều số 12, Điều số 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì được miễn thuế nhập khẩu và thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được theo đúng quy định tại Điều 12, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì không được miễn thuế nhập khẩu và phải nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của luật pháp.

Thuế bảo vệ môi trường: Căn cứ theo quy định tại Điều số 09 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 02 Thông tư số 159/2012/TT-BTC được ban hành ngày 28/9/2012 thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải được thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của luật pháp.

Về chính sách thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng được quy định tại Điều số 12, Điều số 36 của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP: Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, trong trường hợp các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp nếu đáp ứng được các quy định tại Điều số 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP; trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều số 36 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì không được hoàn trả lại thuế nhập khẩu đã nộp.

Về việc khai mã loại hình đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa nhưng không đáp ứng được như quy định tại Điều số 12 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP: mã A12 – Nhập kinh doanh sản xuất.

Trên đây là những hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính đối với các trường hợp vướng mắc được phát sinh kể từ ngày 01/09/2016 theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

 

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận