Nữ giám đốc chiếm đoạt hơn 6.500 m2 đất của công ty thành của riêng

Ngày 15-06, viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã truy tố bà Phan Thúy Mai (SN 1961, trú tại phường Đa Kao, quận 01, TP HCM) – cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư và du lịch An Phát ra trước vòng móng ngựa về tội “Lạm dụng sự tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 140-BLHS. Bị hại trong vụ án này là các cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp do bà Mai làm người đại diện.

Cụ thể, hồ sơ truy tố bà Phan Thúy Mai được xác định, Dự án Đồi 79 Mùa xuân thuộc địa bàn xã Thanh Lâm và Đại Thịnh (thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và nay thuộc Hà Nội), được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho phép đầu tư từ năm 2003.

Nữ giám đốc chiếm đoạt hơn 6.500 m2 đất của công ty thành của riêng

Khi đó, với tư cách là người đứng đầu Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng (đặt trụ sở tại TP.HCM, gọi tắt là Công ty Toàn Thắng), bà Mai đã xúc tiến công việc xin phê duyệt dự án với tổng diện tích xấp xỉ 93 ha, trong đó có cả khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thế nhưng trong quá trình bà Mai làm thủ tục xin cấp chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy việc cấp phép cho một pháp nhân tại TP.HCM sẽ không thuận tiện cho doanh nghiệp, đồng thời cũng gây khó khăn trong công tác giám sát và quản lý cảu nhà nước. Chính vì thế tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu chủ đầu tư phải là một doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương.

Do đó, vào tháng 04-2004, Công ty CP Đầu tư và du lịch An Phát đã được thành lập với số vốn điều lệ của công ty là 30 tỷ đồng. Khi ấy, Công ty An Phát gồm có 04 cổ đông sáng lập, trong đó bà Mai (tư cách cá nhân) đăng ký sẽ góp 60% vốn điều lệ công ty và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Và sau hơn 01 tháng thành lập Công ty An Phát đã chính thức được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thay thế chủ đầu tư ban đầu là Công ty Toàn Thắng. Kể từ đây, Công ty Toàn Thắng không còn liên quan gì đến dự án này của tỉnh Vĩnh Phúc nữa.

Cũng theo cáo trạng trong hồ sơ truy tố, thực hiện Dự án Đồi 79 Mùa xuân, năm 2007, Công ty An Phát đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho gần 983.000 m2 đất, trong đó có 162.897 m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Sau đó, năm 2008, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cấp phép cho Công ty An Phát 194 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), tương ứng với diện tích đất được giao mà tỉnh đã giao cho công ty.

Trong số hàng trăm cuốn “sổ đỏ” nêu trên, Công ty An Phát có 02 nền đất biệt thự ký hiệu AM706835 (thửa đất BT10-08), có diện tích hơn 5.000 m2 cùng nền đất có ký hiệu AM706837 (thửa đất BT10-10) với diện tích hơn 1.500 m2, đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm. Vừa nhận “sổ đỏ” xong, bà Mai lập tức “hô biến” 02 nền đất biệt thự của công ty này thành tài sản cá nhân.

Theo đó, cựu Giám đốc Công ty An Phát đã không thông qua lấy ý kiến của các cổ đông cũng như họp HĐQT mà tự ý dùng tư cách giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tạo dựng chứng từ khống, đồng thời tự ý ký 02 hợp đồng chuyển nhượng hàng nghìn mét vuông đất của công ty sang cho cá nhân bà Mai chỉ với giá bán hơn 9,8 tỷ đồng.

Hành vi của bà Mai được viện kiểm sát xác định là hành vi trái với Điều lệ công ty cũng như những quy định tại bộ Luật Doanh nghiệp. Không chỉ tự ý áp giá chuyển nhượng đất với giá rất “bèo” mà bà Mai còn không trả tiền cho Công ty An Phát. Năm 2010, khi bị các cổ đông phát hiện việc làm phi pháp của mình, bà Mai mới chịu nộp tiền để trả vào công ty.

Quá trình điều tra, giải quyết vụ án, cơ quan điều tra còn phát hiện ra một tình tiết hết sức “bi hài” là mặc dù các nền đất BT10-08 và BT10-10 đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm nhưng bà Mai lại mang hồ sơ mua bán đất đến UBND xã Đại Thịnh và đều được chính quyền xã này ký chứng thực. Chính vì vậy mà hàng loạt cán bộ liên quan đều bị kỷ luật đích đáng…

Định giá tài sản của 02 nền đất biệt thự mà bà Mai chiếm đoạt, cơ quan chuyên môn xác định 02 nền đất có giá trị hơn 30,5 tỷ đồng. Chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp xong, cựu Giám đốc Công ty An Phát liên tục mang đi thế chấp để vay chục tỷ đồng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với vị cựu Giám đốc Công ty An Phát dự kiến sẽ kéo dài trong 02 ngày liên tiếp.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận