Sức mạnh khủng khiếp từ cuộc cách mạng 4.0 trong dây chuyền sản xuất

Tại dây chuyền hàn, mỗi công nhân sẽ quản lý 02 con robot. Ở xưởng đúc khuôn mẫu, 01 người công nhân có thể điều khiển tới 10 máy. Dây chuyền sơn bột mỗi lần có hơn 300 sản phẩm nhưng chỉ cần có 01 công nhân để đứng treo sản phẩm… Đó là những hoạt động diễn ra bên trong một nhà máy sản xuất chế tạo các linh phụ kiện cho 02 hãng sản xuất xe máy nổi tiếng nhất, nhì thế giới là Ducati và Harley Davidson.

Sức mạnh khủng khiếp từ cuộc cách mạng 4.0 trong dây chuyền sản xuất

Một bầu không khí hoàn toàn công nghiệp khi mà máy móc đã gần như thay thế và tham gia vào rất nhiều các công đoạn của việc tạo ra sản phẩm. Công nhân chỉ cần làm những công việc nhứ ráp khuôn, vận hành và điều khiển robot.

Ông Nguyễn Vương Long, Phó tổng giám đốc Công ty công nghiệp chính xác VPIC (một doanh nghiệp của Đài Loan) cho biết, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng các loại máy, robot… thì số lượng người làm việc trong nhà máy sẽ giảm đi, chỉ cần rất ít người. Khu xưởng sản xuất rộng khoảng 200.000 m2 ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) của VPIC chỉ có tổng cộng 600 lao động, bao gồm cả các nhan viên văn phòng.

“Hầu hết các công việc đều do máy móc vận hành, con người chỉ thực hiện việc giám sát và điều khiển. Trong mỗi công đoạn sản xuất mới, công ty chỉ việc mời các chuyên gia từ Đài Loan sang đào tạo các công nhân vận hành máy móc là xong”- ông Long cho biết.

Cũng theo vị Phó tổng giám đốc VPIC, mỗi khi xảy ra sự cố về máy móc, thiết bị, các chuyên gia nước ngoài cũng có thể kết nối với người quản lý nhà máy tại Việt Nam bằng các công cụ trò chuyện trực tuyến thông qua mạng internet. Hai bên sẽ trao đổi thông tin cho nhau giúp giải quyết sự cố một cách nhanh chóng nhất và rất chuyên nghiệp.

VPIC là một trong nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI hiện nay đang áp dụng tự động hóa vào trong sản xuất. Ông Long cho biết rằng, Đài Loan là một trong những quốc gia sớm nắm bắt cơ hội, đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới. Chính phủ Đài Loan đã phê chuẩn chương trình hành động mang tên Productivity 4.0 Development Programs (Dự án phát triển năng suất 4.0), nhằm hỗ trợ và phát triển ngành sản xuất máy công cụ tham gia trong sản xuất chi tiết và phụ tùng cho các ngành công nghiệp vũ trụ.

Chương trình này sẽ củng cố chuỗi giá trị trong sản xuất thông minh, sản phẩm cơ khí và các dịch vụ trong ngành hàng không đạt đến con số doanh thu 5.200 tỉ USD.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Theo ông Lương Trọng Vũ, Phó giám đốc phụ trách nội dung Kênh truyền hình kinh tế, tài chính FBNC, hiện nay ngành công nghiệp cơ khí chính xác của Đài Loan đang phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam để đầu tư bởi những ưu điểm về nguồn lao động và giá mặt bằng…

“Nguồn lao động các nước sở tại hiện đã được nâng trình độ, tức là lao động nước ngoài không còn làm những công việc giản đơn, yêu cầu thấp nữa. Họ chọn công việc cần sự phức tạp, đầu tư chất xám nhiều hơn. Chính vì thế, các doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển dịch về thị trường Việt Nam với ưu thế về lao động”- ông Vũ phân tích.

Nói về trình độ lao động Việt Nam, ông Phạm Minh Thảo – Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Thăng thẳng thắn cho nói rằng, lao động trong nước hiện nay ý thức còn hạn chế, tác phong công nghiệp trong sản xuất chưa cao. Điều này khiến họ chỉ có thể làm những công việc ở mức trình độ thấp. Khi ứng dụng khoa học kỹ thuật và có máy móc thay thế, lực lượng lao động này sẽ có nguy cơ mất việc rất cao.

Chia sẻ về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Thảo cho rằng: “Khi tham gia vào chuỗi sản xuất sự đảm bảo về các yêu cầu về sản phẩm, chất lượng, thời gian… quyết định sự chuyên nghiệp và chữ tín của chính doanh nghiệp đó. Do đó, để không vuột mất cơ hội, doanh nghiệp Việt phải thường xuyên nâng cao trình độ kỹ thuật, sự chuyên nghiệp cho từng lao động, đặc biệt là nâng cao sự tin cậy để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu”.

Cũng theo ông Thảo, ngoài yếu tố lao động, hạn chế về hỗ trợ của Nhà nước trong việc vay vốn đối với các doanh nghiệp cũng là điều kìm hãm các doanh nghiệp tiệm cận với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Doanh nghiệp muốn nâng cao được trình độ sản xuất bằng việc đầu tư mua các trang thiết bị, máy móc tiên tiến. Song, doanh nghiệp lại không thể trụ được với mức lãi suất lên tới 22%/năm. Đây thực sự là một áp lực không hề nhỏ đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp làm ăn sinh lời là đã phải lo trả lãi suất đầu tiên. Điều này khiến doanh nghiệp thiếu động lực để tiến hành công cuộc đổi mới công nghệ”- ông Thảo nhận định.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận