Thiếu hành lang pháp lý để cho công đồng Startup kêu gọi đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang xây dựng Dự thảo bộ Luật Hỗ trợ các Doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chắc chắn khi có hiệu lực thi hành sẽ có những tác động thúc đẩy mạnh mẽ khu vực chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Hỗ trợ không chỉ riêng vật chất mà còn cả về tinh thần

Chia sẻ một số ý kiến về dự thảo này, ông Đào Huy Giám – Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết nằm trong khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có một tỷ lệ ngày càng cao các doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả khởi nghiệp sáng tạo.

“Phải nói rằng, xây dựng luật này cái khó trước mắt hầu hết của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường chưa theo nguyên tắc của thị trường, những hỗ trợ có thể có nhưng bị một số ràng buộc”, ông Giám nói.

Thiếu hành lang pháp lý để cho công đồng Startup kêu gọi đầu tư

Theo ông Giám, một số ràng buộc bao gồm cả thực tế hiện nay chúng ta chưa có kinh nghiệm và kiến thức về tổ chức hỗ trợ ưu đãi và thúc đẩy xúc tiến các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là những ràng buộc ở các quy định khi hội nhập có những hình thức hỗ trợ được phép như tạm thời, đem lại các lợi ích chung cho các doanh nghiệp, không nhằm mục đích tác động đến từng sản phẩm cạnh tranh để giúp anh này có giá thấp hơn anh kia.

“Những hỗ trợ này thường mang tính xúc tiến, cung cấp thông tin, đào tạo, có lúc trợ giúp ở mức dưới 02% trong giá thành. Còn nếu thông tin, đào tạo, tạo điều kiện kết nối, mạng lưới… là biện pháp, cơ chế chung”, ông Giám cho biết.

Đại diện VPSF cho rằng, mặc dù hiện nay bộ luật này chưa khai thác được hết những yếu tố có thể hỗ trợ theo những hướng hỗ trợ về thông tin, tổ chức quản lý, kết nối, hỗ trợ một lần cho những hoạt động ban đầu. Đặc biệt là tiếp xúc giữa những người sản xuất, tạo ra sản phẩm không chỉ còn là vật chất mà có thể tinh thần.

“Ví dụ, trong những hỗ trợ này, Thụy Điển trợ cấp vào trong giá máy vi tính. Nếu anh khởi nghiệp, sẽ được hỗ trợ một phần giá máy vi tính để bắt đầu khởi nghiệp. Thụy Điển hiện nay đang đứng thứ 02 trên thế giới nhiều năm qua về mức sáng tạo, sau Thụy Sỹ”, ông Giám lấy ví dụ.

Đánh giá bộ Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ khó phân loại doanh nghiệp thế nào là vừa, nhỏ, mới, khó khăn, nhóm nào cần được giúp đỡ, ông Giám cũng cho rằng, nếu ngân sách có vốn thì chọn hình thức hỗ trợ chung như là miễn giảm thuế trong thời gian đầu hoặc một số ngành riêng biệt như khởi nghiệp sáng tạo, sinh học, môi trường, năng lượng tái tạo…

“Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương phối hợp điều chỉnh một số điều kiện cụ thể, liên quan điều kiện với NHNN, Bộ Tài chính điều chỉnh liên quan đến thuế. Sau từ 03-06 tháng trình lên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn và điều chỉnh. Sau từ 03-05 năm rà soát lại điều chỉnh giải pháp, tôi cho rằng đó là cách làm nên nghiên cứu, vận dụng”, ông Giám kiến nghị.

Thiếu hành lang pháp lý cho startup

Đối với riêng nhóm đối tượng khá đặc thù là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), ông Trịnh Minh Giang – Chủ tịch Nhóm Công tác Khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) thì cho rằng, ngoài việc trông đợi vào chính sách, có nhiều quy trình startup cần thực thi để “tiền về đến tay”. Theo đó, ông Giang cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải tự gây dựng nhóm và quan trọng là khi khởi nghiệp phải có vốn.

“Làn sóng startup thế giới thành công vì giúp người làm công nghệ giỏi không nghĩ đến tiền. Họ có hệ thống đầu tư chuyên nghiệp, có tiền, có kiến thức. Nếu không có năng lực đấy thì đầu tư thua chắc luôn”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng cho rằng, đầu tư cho khởi nghiệp là rủi ro, nhiệm vụ của hành lang pháp lý là giảm tối thiểu mọi rủi ro nhưng hiện vẫn thiếu những hành lang pháp lý về huy động vốn cho công ty khởi nghiệp sáng tạo.

“Hành lang pháp lý cho công ty thông thường đã có, nhưng pháp lý riêng cho công ty khởi nghiệp thì chưa có. Nếu áp dụng quy tắc thông thường thì khó áp dụng. Ví dụ để một công ty khởi nghiệp sáng tạo (startups) vay vốn ngân hàng theo cách thông thường là khó thực hiện được. Theo đó, VPSF tập hợp những ý kiến, đề xuất cụ thể về hành lang pháp lý để hỗ trợ cho hệ sinh thái với nhiều nhân tố tham gia. Cùng với đó, thông qua đối thoại, khuyến nghị chính sách giải pháp mới, VPSF có thể góp phần khung khổ pháp lý, hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó nội dung trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo”, ông Giang cho hay.

Còn theo ông Đào Huy Giám, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao trách nhiệm của chính mình trước văn bản luật điều chỉnh quyền lợi của mình, năng lực của mình nhìn nhận về văn bản đó và kiến nghị giải pháp, có sự hiểu biết về ban hành chính sách của Chính phủ để đề xuất giải pháp trong từng thời kỳ, từ đó tạo ra những cơ chế thích ứng với nguồn lực.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần chủ động tìm đến các đầu mối. Tôi xin giới thiệu có các nhóm của VPSF, có các hiệp hội ở các tỉnh thành của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, mạng lưới sau lưng của VPSF, mạng lưới liên kết với chúng tôi có thể lắng nghe tiếng nói, phân tích chuyên môn, phản hồi chính sách, báo cáo kết quả đối thoại chính sách với CP để khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt hơn. Đừng hi vọng đến kỳ như vậy có giải pháp kim cương, trước hết là phải tìm đúng người, sau đó cùng đối tác đồng hành tìm giải pháp một phần hay toàn bộ”, ông Giám nhấn mạnh.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận