VIỆT NAM CÓ BAO NHIÊU SỞ AN TOÀN THỰC PHẨM

Sở an toàn thực phẩm là cái tên gọi khá mới mẻ với người dân. Bản thân em cũng chưa hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở này. Chị cho em hỏi Việt Nam có bao nhiêu sở an toàn thực phẩm; Quy định pháp luật về quy chế hoạt động của sở này như thế nào?

Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Như vậy, Trên cả nước tính đến thời điểm hiện tại duy nhất Thành Phố Hồ Chí Minh có sở An toàn thực phẩm.

 Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở An toàn thực phẩm TPHCM

Tại kỳ họp thứ XI, Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, diễn ra sáng ngày 19/9/2023, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình về thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Giám đốc là Ủy viên UBND TPHCM do HĐND TPHCM bầu và dự kiến hoạt động từ đầu năm 2024.

Sở An toàn Thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Sở An toàn Thực phẩm Thành phố còn có một số chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà trước đó được quy định cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Thành phố.

Sở An toàn thực phẩm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, cơ quan chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.

Trụ sở làm việc của Sở An toàn thực phẩm Thành phố được bố trí tại Số 57 Nguyễn Thị Minh Khai và Số 18 Cách mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, Quận 1.

Về cơ cấu nhân sự, Sở An toàn thực phẩm gồm một Giám đốc và không quá ba Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bầu ra.

Giám đốc sở do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm. Người này chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh có cơ cấu tổ chức bao gồm Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, Phòng Kế hoạch – Tài chính, Phòng Cấp phép, Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Giám sát ngộ độc thực phẩm, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông. Sở có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành lập Sở An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024. Theo Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đây là khoảng thời gian để thực hiện công tác bổ nhiệm, bàn giao công việc; hoàn thành hồ sơ tài chính; đánh giá cán bộ công chức, viên chức năm 2023 và để thống nhất thời gian chấm dứt hoạt động thí điểm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

Quý khách hàng có thắc mắc gì vui lòng liên hệ để được tư vấn cụ thể !

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận