Quyền sở hữu trí tuệ đang bị xâm hại nghiêm trọng

Ngày 11/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đã phối hợp Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM chính thức triển khai chiến dịch truyền tải thông điệp về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại TP.HCM. Tại chương trình này, nhiều vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được nêu ra.

Càng khó khăn càng vi phạm

TS. Nguyễn Văn Viễn, chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho biết: “Sở hữu trí tuệ là những sản phẩm được sáng tạo ra từ bộ óc của con người. Nó có thể là những tác phẩm văn học, các bài hát, các phần mềm về máy tính hoặc các kiểu dáng công nghiệp. Một khi “đứa con tinh thần” này được làm ra, người nào muốn sử dụng đều phải được sự đồng ý của cha, mẹ chúng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem thường những quyền này, do vậy dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm trọng. Vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là nền kinh tế càng khó khăn, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều”.

Ông Nguyễn Minh Hạc, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, cho biết: “Thời gian vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn. Hai công ty sản xuất cửa cuốn tại TP.HCM là K.Đ.T và T.T.Đ đã sản xuất những thanh nhôm dùng để làm cửa cuốn giống hệt các sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu cửa cuốn T.T. đã đăng ký bản quyền được bảo hộ tại Việt Nam. Do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hai công ty trên đã phải nộp 400 triệu đồng tiền phạt. Số tiền phạt không nhỏ, và bài học được rút ra là không được tự ý sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác”.

Quyền sở hữu trí tuệ đang bị xâm hại nghiêm trọng

Cũng theo ông Hạc, thời gian vừa qua, nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang vì trên thị trường có hai nhãn hiệu nước khoáng thiên nhiên có nhãn hiệu na ná nhau. Đó là nhãn hiệu LaVie và nhãn hiệu TaVie. Việc những nhãn hiệu mới đặt tên nhái với những nhãn hiệu đã có uy tín trên thị trường là một sự tính toán, để tạo ra sự nhầm lẫn cho khách hàng, khiến họ bị phân tâm khi lựa chọn các sản phẩm. Đây là một trong rất nhiều hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang diễn ra.

GS.TS Phạm Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Hiện nay, các quyền sở hữu trí tuệ bị vi phạm nhiều nhất bao gồm: Quyền tác giả (đặc biệt là bản quyền phần mềm), quyền nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp. TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả nước, nhưng cũng chính nơi đây đã xảy ra quá nhiều các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển của kinh tế, xã hội”.

Theo ông Đoàn Năng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho biết, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành hiện tượng phổ biến. Các hành vi xâm phạm diễn ra ở hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tập trung dưới dạng sao chép nhãn hiệu, sao chép kiểu dáng, mang các chỉ dẫn giả mạo. Có thể thấy điều đó qua số lượng vi phạm bị phát hiện tăng lên nhanh chóng qua các năm. Trên thị trường, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng khó phân biệt. Rất nhiều mặt hàng hiện nay rơi vào tình trạng thật giả lẫn lộn, rất khó nhận biết.

“Tuyên chiến” bằng nâng cao nhận thức

Theo nhiều chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam, năm 2012 là năm Việt Nam gia tăng các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại như hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác với phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi khiến công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Trong một đánh giá của Hội Sở hữu trí tuệ (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM) thì tình trạng thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua tại Việt Nam còn kém hiệu quả. Đa phần người dân, doanh nghiệp và xã hội thiếu hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến việc tôn trọng pháp luật sở hữu trí tuệ thấp.

Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc và Đồng sự (TP.HCM) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng và phổ biến, song chủ yếu vẫn là do các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều điểm bất cập, việc tổ chức các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa có hiệu quả, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được thực thi tốt. Bên cạnh đó, phải kể đến những hạn chế về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn thấp của người tiêu dùng. Mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe, tỷ lệ phạt cảnh cáo quá lớn… nên số tái phạm cao, thậm chí các vụ tái phạm còn tăng lên về quy mô”.

Ông Nguyễn Mạnh Quý, phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy, do nhận thức về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của người tiêu dùng còn thấp và xu hướng thích dùng hàng giá rẻ đang là một động lực để nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển nhưng lại ít bị tố cáo, phát hiện. Việc đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ càng trở nên khó khăn. Trong tình hình đó, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn thiện về bảo hộ sở hữu trí tuệ với đầy đủ các quy định quản lý, các chế tài xử phạt… dễ áp dụng trong thực tiễn là rất cần thiết. Điều đó không chỉ nâng cao hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mới đây, Chính phủ đã ban hành các chỉ thị về việc tăng cường thực thi các quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền liên quan. Đây là một trong những biện pháp mạnh để “tuyên chiến” với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay”.

TS. Nguyễn Văn Viễn, chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cũng cho biết, hiện nay mỗi năm Việt Nam chỉ có một sáng chế được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới. So với các nước trong khu vực thì con số này chỉ được xếp vào hạng cuối. Điều này cho thấy thực tế người Việt Nam chưa quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì thế, đã dẫn đến hàng loạt vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra tại Việt Nam thời gian qua.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Quốc gia sẽ cất cánh, nếu các ý tưởng sáng tạo được bảo vệ

Ông David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng: “Thời điểm hiện nay, nền kinh tế thế giới sẽ được dẫn dắt bởi các ý tưởng, để bảo vệ các ý tưởng sáng tạo và khuyến khích những ý tưởng mới phát triển, chúng ta phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy môi trường khuyến khích sự sáng tạo. Trong giai đoạn hiện nay, quốc gia nào đưa ra được cơ chế thúc đẩy sáng tạo và bảo hộ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ, thành quả của các sáng tạo, quốc gia đó sẽ cất cánh vượt lên các quốc gia khác, đời sống xã hội được nâng cao và người dân được hưởng lợi từ thành quả của các sáng tạo. Do vậy, Việt Nam cần phải “tuyên chiến” với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận