Xử lý vi phạm kiểu dáng công nghiệp còn nhiều bất cập

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là việc làm cấp thiết để bảo vệ thành quả trí tuệ của bạn

Hiện nay, Việt Nam đã có đủ các biện pháp, chế tài xử lý các hành vi vi phạm về SHTT nói chung và Kiểu dáng Công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, công tác thực thi nhìn chung còn yếu, hầu như mới sử dụng biện pháp xử phạt hành chính (vì quy trình giải quyết đơn giản và nhanh nhất). Các biện pháp xử lý hình sự còn phức tạp, tốn kém và chủ thể quyền SHTT thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bảo vệ quyền SHTT của mình bằng biện pháp này.

Thông thường, trong trường hợp xảy ra vi phạm KDCN, việc giải quyết được thực hiện theo những bước sau: Điều tra thu thập chứng cứ vi phạm; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đánh giá chứng cứ vi phạm; soạn thảo văn bản cảnh báo bên vi phạm, đàm phán với bên vi phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm khi không đạt được mục đích thông qua thương lượng, đàm phán.

Theo quy định của pháp luật SHTT hiện hành, chủ thể quyền SHTT phải gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và cơ quan thực thi chỉ vào cuộc nếu hành vi vi phạm của bên vi phạm vẫn diễn ra sau khi đã được cảnh báo. Chúng tôi cho rằng, việc yêu cầu bên bị xâm phạm phải có văn bản cảnh báo như vậy là không cần thiết, đôi khi còn “đánh động” bên xâm phạm, dẫn đến những hành động tẩu tán hoặc tiêu huỷ tang vật, chứng cứ. Sự không phù hợp này sẽ được loại bỏ khi Luật SHTT sửa đổi có hiệu lực áp dụng vào năm 2010. Theo đó, doanh nghiệp bị xâm phạm về SHTT chỉ cần chứng minh được hành vi cố ý xâm phạm quyền SHTT của họ là sẽ được thụ lý giải quyết theo trình tự hành chính (thay vì phải tự gửi thông báo tới đối tượng vi phạm và chờ đợi một khoảng thời gian để đối tượng “khắc phục khuyết điểm” như Luật hiện hành).

Một bất cập lớn trong việc thực thi quyền SHTT hiện nay là thiếu sự phối hợp xử lý một cách khoa học của các cơ quan chuyên trách. Hiện nay Việt Nam có tới 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT là toà án; quản lý thị trường; thanh tra (KH&CN, Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); công an; hải quan; UBND các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ trong Nghị định 106 nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo. Điều này không chỉ khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng khi muốn liên lạc mà còn làm chính những cơ quan thực thi này nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi, dẫm chân lên nhau hoặc mạnh ai nấy làm. Việc có quá nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan này còn chưa hợp lý, khiến hiệu lực thi hành bị phân tán và trở nên phức tạp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi.

Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra tổng hợp nào về tình hình vi phạm SHTT nói chung và vi phạm Kiểu dáng Công nghiệp nói riêng tại Việt Nam, mà mỗi cơ quan thực thi lại hoạt động độc lập, đưa ra những con số khác nhau, chưa kể số liệu đưa ra thường không cập nhật. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu một đầu mối thống nhất để liên lạc trong trường hợp xảy ra vi phạm quyền SHTT nói chung, quyền Kiểu dáng Công nghiệp nói riêng.

Trên thực tế, các cơ quan thực thi ở Việt Nam khi xử lý vi phạm thường vẫn còn tâm lý “giơ cao đánh khẽ” và luôn cân nhắc đến khả năng thực tế thi hành nên mức phạt đưa ra thường thấp, do đó không đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Ngoài ra, bản thân các cán bộ chuyên trách xử lý vi phạm chưa hoàn toàn tự tin trong khâu xử lý do năng lực còn yếu, nên thường phải yêu cầu có ý kiến chuyên môn của Cục SHTT trong việc đánh giá hành vi, mức độ vi phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan này cũng chưa hợp lý, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận