4 dự án đường sắt Thủ đô được đầu tư hơn 87.000 tỷ đồng

Ngày 3/7 vừa qua, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội sau khi thảo luận đã quyết định Thông qua Nghị quyết phê duyệt danh mục và kế hoạch vốn cho các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thủ đô, các dự án hỗ trợ ngành dọc khởi công mới giai đoạn 2017 – 2020 các dự án ngân sách thành phố hỗ trợ các xã, huyện, quận thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020.

Cụ thể các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thủ đô có 103 dự án và dự án hỗ trợ ngành dọc khởi công mới giai đoạn 2017 – 2020 có 14 dự án với vốn thực hiện là 21.747 tỷ VND. Hội đồng cũng thông qua kế hoạch vốn cho 4 dự án xây dựng đường sắt tại Hà Nội với tổng vốn 87.000 tỷ VND. 4 dự án này bao gồm: Xây dựng đường sắt đô thị tuyến 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai, tuyến 2 từ Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình, tuyến đường sắt từ Nam Thăng long đến hà Nội và tuyến 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc.

Được biết để có 87.000 tỷ đồng cho kế hoạch xây dựng 4 dự án đường sắt này, nhà nước đã bố trí kinh phí từ nguồn vốn chuẩn bị cho việc triển khai các dự án cơ bản tập trung của Thủ đô đồng thời hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư với nguồn vốn lớn.

Ngoài việc thông qua đầu tư cho 4 dự án đường sắt, Nghị quyết còn bao gồm 4 dự án cùng kế hoạch vốn cho mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, khởi công công trình giao thông mới giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó giai đoạn 2017 – 2020 sẽ được đầu tư 1.000 tỷ đồng để triển khai các dự án này, trong đó có 630 tỷ đồng để tập trung cho 3 dự án sau: Xây dựng cầu Bắc Từ Liêm, mở rộng đường Nguyễn Khoái; xây dựng trung tâm giám sát và điều hành ứng dụng Công nghệ thông tin; cải tạo khu vực nút giao thông đầu cầu phía Bắc cầu Chương Dương.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội – Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, giai đoạn 2017 – 2020 khi nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án khởi công mới lên tới 55 nghìn tỷ đồng nhưng nguồn vốn chỉ mới có thể đáp ứng hơn 21 nghìn tỷ đồng thì bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc ưu tiên cho các dự án cần triển khai cấp bách. Ngoài ra cần phải bố trí vốn tập trung, đáp ứng vốn theo tiến độ triển khai dự án để rút ngắn thời gian thi công nhanh chóng nhất có thể.

Ông Quyền tin rằng với cách đổi mới phương án bố trí vốn này, các dự án sẽ tiết kiệm được khoảng 5 – 10% chi phí đầu tư do thời gian thi công được rút ngắn, từ đó hạn chế tối đa tình trạng trượt giá.

Trưởng ban Kinh tế ngân sách – Bà Phạm Thị Thanh Mai đã thực hiện báo cáo về việc thẩm tra Nghị quyết và cho biết, Ban Kinh tế đã thống nhất với nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới cũng như các dự án ngân sách hỗ trợ các quận, huyện giai đoạn 2017 – 2020. Hơn nữa, Ban Kinh tế còn đánh giá cao nguyên tắc bố trí vốn và tập trung đẩy nhanh hoàn thành các dự án này.

Hy vọng trong thời gian tới với các chính sách huy động vốn của nhà nước, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư xin cấp giấy phép đầu tư với vốn lớn để tới năm 2020, theo đúng kế hoạch, các dự án đường sắt Thủ đô sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận