Liên tiếp phát hiện và thu hồi nhiều mỹ phẩm kém chất lượng, nguyên nhân do đâu?

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện, tịch thu và tiêu hủy nhiều mỹ phẩm kém chất lượng. Không phủ nhận thành quả này, nhưng câu hỏi được đặt ra: Nguyên nhân do đâu mà tình trạng hàng kém chất lượng vẫn dai dẳng chưa được đẩy lùi triệt để?

“Mẻ cá lớn” từ việc thu hồi mỹ phẩm kém chất lượng dịp cuối năm

Câu chuyện về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn là chủ đề nhức nhối, nhất là thời điểm cuối năm. Và còn “hot” hơn khi gần đây cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, thu hồi nhiều mỹ phẩm nhái thương hiệu, ghi sai thông tin trong giấy công bố. Có thể điểm qua vài vụ lớn như:

Ngày 15/10/2019, hơn 85.600 hộp mỹ phẩm của Công ty Tóc Tiên (Cần Thơ) bị thu hồi và tiêu hủy. Nguyên nhân do cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản phẩm ghi sai thông tin địa điểm sản xuất đã khai báo trong Giấy phép kinh doanh; nhiều mỹ phẩm không ghi nhãn mác.

Bên trong cơ sở sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty Mỹ phẩm Tóc Tiên (Nguồn: 24h.com)

Đình chỉ lưu hành 7 mỹ phẩm nhãn Mangala thuộc công ty TNHH SX TM Châu Thông (Đà Nẵng) do không đáp ứng quy định của Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tiêu chuẩn “thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”.

Đình chỉ lưu hành 4 mỹ phẩm nhãn Lan Fey của Công ty Cổ phần Hóa Mỹ phẩm 3C (Đà Nẵng) gồm Cleansing Milk; Whitening Day Cream; Serum Collagen và Whitening Night Cream. Nguyên nhân không tuân thủ cách ghi tem nhãn; thành phần sản phẩm ghi trên nhãn không đúng với thành phần ghi trong Phiếu công bố mỹ phẩm.

Đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm Dầu gội đầu Bưởi Rừng TB Cosmetic của Công ty cổ phần thương mại HC Việt Nam (Hà Nội) cùng lý do trên.

Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai?

Tình hình mỹ phẩm kém chất lượng gia tăng cao dịp cuối năm. Trước tình hình đó các cơ quan chức năng đã, đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đề ra những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên trước khi bàn đến giải pháp, cần làm rõ trách nhiệm và nguyên nhân của thực trạng này.

– Nguyên nhân đầu tiên nằm ở chính các quy định pháp luật liên quan đến lưu hành mỹ phẩm. 

Các quy định về hàng hóa xuất/nhập khẩu, về đăng ký lưu hành mỹ phẩm, về in tem nhãn được ban hành qua các thông tư, nghị định. Nhưng dù có, vẫn dừng ở tính chung chung, thiếu cụ thể trong từng trường hợp và bộc lộ nhiều lỗ hổng. 

Chưa kể mức xử phạt đưa ra còn thiếu tính răn đe, chỉ là “gãi ngứa”. Mức lợi nhuận mà họ thu được lên tới vài tỷ đồng trong khi mức xử phạt chỉ vài triệu đồng. Đó là lý do các tay buôn lậu bất chấp sai phạm để buôn bán.

– Nguyên nhân thứ hai nằm ở khâu quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước

Không thể phủ nhận những nỗ lực trong việc kiểm soát và phát hiện các lô hàng mỹ phẩm kém chất lượng của cơ quan chức năng thời gian gần đây. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn rằng khâu quản lý của nước ta vẫn còn hạn chế, thể hiện sự yếu kém và nhiều bất cập. Nếu các cán bộ chức năng cứng rắn hơn, quyết liệt hơn, phối hợp với nhau tốt hơn thì tình trạng vi phạm đã khác.

– Nguyên nhân thứ ba nằm ở bản thân cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh

Việc để hàng giả, hàng kém chất lượng gắn mác sản phẩm của thương hiệu mình trách nhiệm không nhỏ thuộc về doanh nghiệp. Khi tung sản phẩm ra thị trường doanh nghiệp phải lường trước được các rủi ro, chủ động bảo vệ thương hiệu bằng việc công khai giấy tờ pháp lý, hướng dẫn nhận biết sản phẩm của mình. Có như thế người tiêu dùng mới phân biệt được hàng thật – giả và bản thân doanh nghiệp cũng giữ được uy tín trên thị trường.

my-pham-gia-tren-thi-truong
Ảnh minh họa: Mỹ phẩm nhái, giả tràn làn trên thị trường

– Nguyên nhân cuối cùng nằm ở chính người tiêu dùng với tâm lý chuộng giá rẻ

Mỹ phẩm kém chất lượng sẽ không được tiêu thụ mạnh nếu không có “cầu” từ người tiêu dùng. Đặc điểm của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái là giá thành rẻ vì thế “hấp dẫn” số đông người dân Việt. Bên cạnh đó suy nghĩ: Hàng lậu chẳng khác hàng thật là mấy, mà giá lại rẻ hơn nên tội gì không mua. Chính suy nghĩ đó đã cổ súy, tiếp tay cho tình trạng hàng lậu, hàng kém chất lượng ngày càng “thịnh hành”.

Giải pháp nào giúp ngăn chặn mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhập lậu?

Giải pháp từ phía cơ quan nhà nước

  • Cần đẩy nhanh công tác bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng chế tài xử phạt. Đặc biệt là những quy định liên quan đến mỹ phẩm, công bố mỹ phẩm, sản phẩm nhập khẩu,… 
  • Nâng cao nghiệp vụ của các cán bộ quản lý thị trường thông qua công tác đào tạo, tập huấn. Chú trọng đến kiến thức, kỹ năng phòng chống hàng giả, hàng nhái ở lĩnh vực thương mại điện tử, vi phạm sở hữu trí tuệ bằng công nghệ cao,…
  • Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tẩy chay hàng kém chất lượng, nói không với hàng giả hàng nhái. Đây sẽ là công cuộc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhà nước phải kiên quyết và có hướng đi chiến lược.
cong-bo-my-pham
Hoàn thiện pháp lý liên quan đến công bố mỹ phẩm và khuyến khích doanh nghiệp chủ động đăng ký công bố là một trong những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng hàng kém chất lượng

Giải pháp từ phía doanh nghiệp

  • Nghiêm túc thực hiện trách nhiệm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng việc phối hợp, hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
  • Chủ động liệt kê điểm khác biệt trong sản phẩm và thông báo, hướng dẫn chi tiết cho người tiêu dùng cách nhận biết hàng hóa của mình.
  • Tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu, đăng ký lưu hành sản phẩm mỹ phẩm, in tem chống giả, quản lý hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.
  • Chủ động gửi đơn khiếu nại và công bố thông tin khi phát hiện dấu hiệu sản phẩm của mình bị xâm phạm, làm giả. 

Giải pháp từ phía người tiêu dùng

  • Chủ động nâng cao kiến thức pháp luật để phân biệt được hàng thật giả. Chú ý đọc thêm các quy định pháp luật liên quan đến tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm, ý nghĩa và cách tra cứu số công bố sản phẩm,…
  • Bỏ thói quen tiếp tay cho hàng kém chất lượng, hàng nhái bằng cách không ham hàng giá rẻ, tự đặt nghi vấn trước khi mua.
  • Nhận thức nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc công tác chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
  • Phản hồi ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu buôn lậu, bán hàng “dởm”. 

Tóm lại, để đẩy lùi được mỹ phẩm kém chất lượng cần sự quyết tâm, chung tay của cả 3 lực lượng: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mục đích cuối cùng cũng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế vững mạnh.

Xem thêm: Cách tra cứu số đăng ký công bố mỹ phẩm tại đây

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận