Nguyên tắc đăng ký quyền đối với giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng là một trong những quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Không giống như những quyền sở hữu công nghiệp khác thì để xác lập quyền bảo hộ đối với giống cây trồng thì người đăng ký sẽ phải tiến hành nộp đơn tại Cục Trồng Trọt trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thay vì nộp đơn tại Cục SHTT.

Vì sao cần bảo hộ quyền đối với giống cây trồng?

Quyền đối với giống cây trồng cũng như các quyền tài sản trí tuệ khác, để có thể tạo ra, người nghiên cứu phải bỏ ra rất nhiều công sức cũng như tiền bạc. Chính vì vậy, nếu như quyền sở hữu trí tuệ đó hay cụ thể là quyền đối với giống cây trồng đó không được bảo hộ, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những người nghiên cứu, và như vậy thì sẽ hạn chế khả năng sáng tạo, phát triển những giống cây trồng mới, suy giảm sự phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nguyên tắc đăng ký quyền đối với giống cây trồng

Khi đăng ký bảo hộ giống cây trồng thì người nộp đơn phải tuân thủ theo những nguyên tắc như sau:

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên:

– Trong trường hợp có hai người trở lên nộp đơn đăng ký bảo hộ đối với cùng một loại giống cây trồng vào những ngày khác nhau thì sẽ xem xét đến ngày nộp đơn đăng ký để cấp văn bằng bảo hộ. Người nộp đơn sớm hơn sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.

– Trong trường hợp có hai người trở lên đăng ký bảo hộ cho cùng một giống cây trồng, nhưng những đơn này lại nộp trong cùng một ngày, thì các chủ đơn này sẽ phải thỏa thuận với nhau về việc phân chia quyền lợi, hay thỏa thuận về việc đứng tên nộp một đơn duy nhất đại điện cho tât cả những người đăng ký. Vì văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng chỉ được cấp cho một người nộp đơn, do đó, nếu như những người đăng ký mà không đạt được thỏa thuận thì cơ quan Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cấp văn bằng bảo hộ dựa trên việc xác định xem người đầu tiên lai tạo, phát hiện và phát triển giống cây đó.

Nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ:

–  Người đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng có quyền được hưởng quyền ưu tiên nếu như đơn đăng ký bảo hộ của họ được nộp trong thời hạn là 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký cùng một loại giống cây trồng tại quốc gia có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Ngày nộp đơn đầu tiên không được tính vào thời hạn này.

– Để được hưởng quyền ưu tiên thì người nộp đơn cần phải thể hiện rõ yêu cầu của mình trong đơn đăng ký. Trong vòng 3 tháng, kể từ ngày nộp đơn, chủ đơn sẽ phải cung cấp đầy đủ bản sao tài liệu về đơn đầu tiên có xác nhận tịa cơ quan có thẩm quyền nhận đơn và những mẫu bằng chứng khác xác nhận giống cây trồng ở hai bên và nộp lệ phí theo quy định.

– Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được hưởng quyền ưu tiên thì ngày ưu tiên chính là ngày nộp đơn đầu tiên.

– Trong thời hạn quy định nêu trên, thì việc nộp một đơn đăng ký bảo hộ  khác, công bố hoặc sử dụng giống cây trồng là đối tượng của đơn đầu tiên sẽ không bị coi là căn cứ để từ chối đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên.

Ghi nhận văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng

Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể hiện các nội dung sau: tên gọi của giống cây trồng, tên chủ sở hữu, tên tác giả, thời hạn bảo hộ đối với giống cây trồng.

Sau khi đủ điều kiện cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng, Cơ quan có thẩm quyền sẽ ghi nhận việc cấp văn bằng bảo hộ, nội dung văn bằng bảo hộ vào Sổ đăng bạ quốc gia về giống cây trồng.

Thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Sau khi đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, thì quý khách sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ và có hiệu lực trong khoảng thời gian là 25 năm đối với loại cây trồng thân gỗ và cây nho; Còn đối với những loại cây trồng còn lại thì thời hạn bảo hộ chỉ là 20 năm.

Văn bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ của Việt Nam; và có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ theo quy định tại điều 170, 171 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận