Tránh nhầm lẫn trong tên sản phẩm theo quy chuẩn sữa dạng lỏng

Sữa là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Cũng giống như những loại thực phẩm thông thường khác để có thể nhập khẩu vào Việt Nam hay bán ra thị trường thì doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu cần phải tiến hành công bố thực phẩm nhập khẩu, công bố thực phẩm sản xuất trong nước theo những quy chuẩn kỹ thuật quy định về các loại sữa.

Quy chuẩn về sữa dạng lỏng QCVN 5-1: 2017/BYT vừa được ban hành sẽ thay thế cho QCVN 5-1: 2010/BYT. Theo quy định phân loại sữa dạng lỏng theo QCVN5-1: 2010/BYT cũ, thì việc phân biệt các loại sữa còn khá khó khăn, không phân biệt rõ tên gọi của các sản phẩm sữa khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt được các loại sữa bán ra trên thị trường.

Còn đến QCVN 5-1: 2017/BYT có hiệu lực vào ngày 1/3/2018 tới sẽ bắt buộc các doanh nghiệp khi sản xuất sữa sẽ phải ghi tên loại sữa theo đúng quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng. Để không còn nhập nhằng giữa sữa tươi thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… Nếu như để ý trên các sản phẩm bao bì sữa dạng lỏng hiện nay, có nhiều sản phẩm ghi “100% sữa tươi tiệt trùng” nhưng khi nhìn vào thành phần của sản phẩm lại thấy có hàm lượng sữa bột, như vậy tên gọi của sản phẩm đã khác với bản chất sản phẩm. Trên thực tế, sữa tươi 100% thanh trùng là sữa dạng lỏng từ 100% sữa tươi, và thời hạn sử dụng sản phẩm chỉ trong 3-4 ngày.

Sữa dạng lỏng rất phổ biến với các bà nội trợ, các mẹ bỉm sữa hiện hành
Sữa dạng lỏng rất phổ biến với các bà nội trợ, các mẹ bỉm sữa hiện hành

Chính vì vậy, việc quy định rõ ràng trong QCVN 5-1: 2017/BYT về cách đặt tên cho các sản phẩm sữa dạng lỏng, sẽ giúp đảm bảo cho quyền lợi người tiêu dùng khi có thể mua được những sản phẩm với chính bản chất thật của nó. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thời gian từ thời điểm này đến trước ngày 1/3/2018 để sửa đổi bao bì của sản phẩm. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất sữa sẽ phải tiến hành công bố sản phẩm lại toàn bộ những sản phẩm thay đổi tên gọi của sản phẩm.

Sau khi QCVN 5-1: 2017/BYT có hiệu, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi mua sản phẩm sữa dạng lỏng. Người tiêu dùng cũng cần biết rằng không phải mọi loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi, và đương nhiên quy trình sản xuất cũng như hàm lượng giá trị dinh dưỡng của chúng cũng không giống nhau. Việc ghi tên gọi đúng với bản chất của sản phẩm sẽ giúp người mua có thể có sự lựa chọn hợp lý, mua theo nhu cầu sử dụng sản phẩm của mình.

Xem thêm: Cách thức xây dựng chỉ tiêu kiểm nghiệm đối với sữa bột công thức

Phân biệt các sản phẩm sữa dạng lỏng theo quy chuẩn mới:

Sữa tươi là các sản phẩm sữa dạng lỏng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu và không được bổ sung thêm bất kỳ thành phần nào khác có nguồn gốc từ sữa.

Sữa hoàn nguyên hay hỗn hợp là các sản phẩm sữa dạng lỏng được pha từ sữa bột với nước và một số nguyên liệu khác.

Cụ thể:

  • Sữa tươi được thanh trùng/ tiệt trùng ra sản phẩm sữa tươi.
  • Sữa bột nguyên kem + nước được thanh trùng/ tiệt trùng ra sản phẩm sữa hoàn nguyên.
  • Sữa bột gầy hoặc sữa tươi + Béo thực vật và các thành phần khác + Nước được thanh trùng và tiệt trùng sẽ ra sản phẩm sữa hỗn hợp.

Các doanh nghiệp sản xuất sữa cần chú ý những vấn đề nêu trên trong quy chuẩn sữa dạng lỏng năm 2017 để đặt tên cho đúng bản chất của sản phẩm.