Chuyển biến đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Theo những số liệu thống kê gần đây,nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng, có tác động kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng tích cực,nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước và nước ngoài tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới, cải thiện chất lượng quản trị DN, thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế… Với các yếu tố thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Dư địa đầu tư còn rất lớn

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra tại New York (Hoa Kỳ) đầu tháng 7 vừa qua, nói về cơ hội và khả năng đầu tư dành cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút việc đầu tư nước ngoài với vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn… Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt bình quân 6,4%/năm trong suốt mười năm qua, Việt Nam thuộc nhóm ba nước có mức tăng trưởng đứng đầu khu vực châu Á. Tuy nhiên, đến nay, mức vốn hóa thị trường chỉ vào khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Đây chính là minh chứng rõ rệt nhất cho một bức tranh sinh động và đầy màu sắc về việc hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Chuyển biến đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Bên cạnh đó, việc cho phép nâng tỷ lệ sở hữu (nới room) của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho các nhà ĐTNN. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, với quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, quy mô thị trường chứng khoán tại Việt Nam sẽ tăng rất mạnh trong giai đoạn 2015-2020. Cùng với quyết định nới room của Chính phủ, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tái cấu trúc và các giải pháp hỗ trợ, như rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, áp dụng giao dịch trong ngày, giảm thủ tục đăng ký giao dịch cho nhà ĐTNN, triển khai TTCK phái sinh… Tất cả sẽ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển về chất trong thời gian tới. Đây cũng là sự thể hiện quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên hiện nay lên mức thị trường mới nổi để thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Chia sẻ với các nhà đầu tư tham gia hội nghị, Chủ tịch quỹ đầu tư WL Ross & Co. LLC, tỷ phú Hoa Kỳ W.Rot, khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vàothị trường chứng khoán và doanh nghiệp nước ngoài cổ phần hóa. Có hai điểm mà nhà đầu tư nên lưu tâm, chính là nỗ lực cải cách nền kinh tế, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ. Ngành có thế mạnh xuất khẩu và ngành bất động sản là những ngành sẽ phát triển mạnh và đáng quan tâm để đầu tư. “Rõ ràng, Việt Nam có các bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng và trong cảm nhận của tôi, đây là quốc gia an toàn nhất thế giới” – Tỷ phú W.Rot nói.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Quỹ Harbinger Phi-líp A Phan-connơ chia sẻ: “Khi quyết định chọn Việt Nam để đầu tư một dự án lớn có quy mô hàng tỷ USD về du lịch nghỉ dưỡng – dự án Hồ Tràm tại thành phố Vũng Tàu, nhiều nhà đầu tư khi ấy đã thắc mắc là tại sao lại chọn một đất nước xa xôi và có sự khác biệt về kinh tế, văn hóa kinh doanh so với Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi luôn có niềm tin vào những tiềm năng của Việt Nam – sự phát triển của một nền kinh tế với hơn 90 triệu dân này, chủ yếu là dân số trẻ, nhiệt huyết và chăm chỉ vượt khó. Cho tới nay, sau tám năm đầu tư, chúng tôi khẳng định dự án tại Việt Nam dù phải trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhưng rõ ràng dự án đã chọn đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng chỗ, sẽ mang lại lợi ích cho các bên”.

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, theo Phó Chủ tịch Manulife Pe-tơ F. Uy-kin-son, Manulife đã có mặt ở thị trường Việt Nam 16 năm trước đây, khi nhận ra môi trường kinh doanh ở đây có nhiều lợi thế và Chính phủ luôn chủ động tháo gỡ khó khăn cho các các doanh nghệp. Manulife sẽ tăng tổng mức đầu tư hơn nữa vào Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể thấy, đầu tư gián tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Hoa Kỳ và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.

Tạo thêm động lực thúc đẩy đầu tư gián tiếp

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động theo cơ chế thị trường đồng thời phát triển khu vực kinh tế tư nhân là quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam, được thể hiện rõ nét qua quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nước ngoài gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Qua đó, quy mô thị trường chứng khoán tại Việt Nam sẽ tăng rất mạnh trong giai đoạn 2015 – 2020. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhất là cơ hội từ tiến trình cổ phần hóa và đầu tư trên thị trường chứng khoán. Sự tham gia của các nhà đầu tư sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường chúng khoán, giúp cho thị trường này minh bạch và hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những dao động “phi thị trường” và góp phần giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…). Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư gián tiếp còn giúp doanh nghiệp trong nước tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, để hấp thụ nguồn vốn này, các doanh nghiệptrong nước cần nỗ lực vươn lên, tăng cường quản trị công ty, quản trị rủi ro, minh bạch và công khai hóa thông tin, đồng thời cơ quan quản lý cũng phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát và điều hành thị trường nhằm bảo đảm sự ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, vừa thu hút có hiệu quả dòng vốn đầu tư gián tiếp, vừa hạn chế được những bất lợi phát sinh. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phạm Quang Tùng chia sẻ, BIDV luôn sẵn sàng chào đón dòng vốn đầu tư từ các định chế tài chính Hoa Kỳ. BIDV đã xây dựng kế hoạch tìm kiếm và phát hành cổ phần cho nhà ĐTNN với số lượng một nhà đầu tư chiến lược và một nhà đầu tư tài chính. Trong đó tỷ lệ dự kiến giành cho nhà đầu tư tài chính là 10%, nhà đầu tư chiến lược từ 15 đến 20% vốn điều lệ mới của BIDV. Thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, BIDV sẽ thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước tại BIDV xuống còn mức 65% tùy thuộc vào tỷ lệ phát hành thành công cụ thể của (các) giao dịch. BIDV luôn mong muốn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hỗ trợ BIDV về mô hình quản trị theo thông lệ tốt nhất, phát triển sản phẩm dịch vụ, quản lý rủi ro, công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng điện tử và chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Tương tự như BIDV, một loạt các doanh nghiệp nước ngoài lớn của Việt Nam tham gia Hội nghị như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam… đều mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Subscribe
Nhận thông báo
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận