Nhà đầu tư nước ngoài e ngại với giá điện gió của Việt Nam

Hiện nay đang có rất nhiều các tập đoàn nước ngoài có dự định rót vốn đầu tư vào lĩnh vực điện gió của Việt Nam, tuy nhiên mức FIT 7,8 US cent/KWh đang là một trở ngại khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Ông Alejandro Renedo Zalba, người phụ trách việc phát triển kinh doanh cho Tập đoàn Elecnor kiêm phụ trách thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận xét rằng, tập đoàn Elechnor nhận thấy rằng Việt Nam là một nước có đường bờ biển dài có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng gió. Tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh tới những nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam được xem là một nước có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, ông Zalba lại rất băn khoăn với giá FIT mà Chính phủ Việt Nam dành cho lĩnh vực điện gió còn quá thấp so với các nước khác.

Ông Tobias Cossen là người đã thực hiện các dự án điện gió tại Việt Nam trong nhiều năm nay, và hiện đang làm trưởng dự án hỗ trợ mở rộng quy mô hoạt động lĩnh vực điện gió của Việt Nam/ chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng của Bộ Công Thương/ tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam cũng khẳng định rằng: “Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thực tế về những khó khăn đối với phát triển lĩnh vực điện gió như là: giá mua điện còn ở mức thấp, thiếu cơ sở dữ liệu chất lượng cao, các quy định, thông tin của nhà nước về phát triển lĩnh vực điện gió chưa nhiều, đây được xem là một lĩnh vực rất mới mẻ đối với nhiều cá nhân,tổ chức, ngân hàng… Thực tế này đang khiến cho quy trình khảo sát, phát triển, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án phát triển lĩnh vực điện gió bị kéo dài”.Cũng theo lời ông Tobias Cossen, mức giá FIT của lĩnh vực điện gió từ trước tới nay cho chúng ta thấy rằng nếu không có một sự điều chỉnh phù hợp thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất do dự và dẫn tới ý định từ bỏ thị trường. GIZ tin rằng mức giá 10,4US Cent/kWh cho lĩnh vực điện gió trên bờ sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn.

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Sạch của Việt Nam lại cho rằng, Chính phủ đã thực hiện ban hành giá điện 7,8 US cent/kWh. Mặc dù còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới nhưng Việt Nam lại có những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất…“Với những chính sách ưu đãi trên, mức giá điện gió của Việt Nam cũng tương đương khoảng 10 US cent/kWh. Bộ Công Thương cũng đang thực hiện trình Chính phủ giá điện gió mới với mức 10 US cent/kWh cho lĩnh vực điện gió trên bờ và 11 US cent/kWh cho giá điện gió gần bờ”.

Ông Phong cũng chia sẻ thêm, hiện nay đang là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư thực hiện tiến hành tham gia đầu tư vào các dự án phát triển lĩnh vực điện gió. “Nếu các bạn đang muốn trở thành nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió, các bạn phải tới làm việc với các tỉnh để xem còn có quỹ đất không? Sau đó các bạn cần tiến hành đo tiềm năng gió tối thiểu trong vòng 01 năm, nghiên cứu tính khả thi của dự án, đưa ra kế hoạch thực hiện dự án… Trong khi chờ để được Chính phủ xem xét và phê duyệt về mức điện gió mới, đây thwucj sự đang là thời điểm thích hợp để cho các nhà đầu tư chuẩn bị cho dự án”.

Trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đa phế duyệt chấp thuận cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 11/04/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (giá điện chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương với 9,35 cent/kWh).